Đẩy mạnh công tác xử lý rác thải, nâng cao chất lượng môi trường tại Quảng Bình

Thứ sáu, 8/9/2023 | 16:43 GMT+7
Theo Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vừa được ban hành ngày 7/9, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và tổ chức, cá nhân chủ động, nghiêm túc triển khai thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Theo chỉ thị, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan truyền thông, đơn vị, doanh nghiệp, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực, địa bàn quản lý, cần tiếp tục xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cũng như các chỉ thị, nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, quy định pháp luật của nhà nước về bảo vệ môi trường theo lĩnh vực, ngành, địa bàn quản lý.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, sự tham gia thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường; lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong thực hiện các mô hình, chương trình, kế hoạch; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức trách nhiệm và chuyển biến trong hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tại cơ quan, đơn vị, địa bàn mình phụ trách.

Nâng cao ý thức trách nhiệm và chuyển biến trong hành động bảo vệ môi trường, xử lý rác thải

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn; chú trọng công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, lồng ghép các vấn đề môi trường, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo định hướng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và bền vững; kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan thân thiện với môi trường; áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng; tăng tỷ lệ cây xanh ở khu vực đô thị và nông thôn, công trình, dự án; theo dõi diễn biến chất lượng môi trường; tăng cường các hoạt động xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống khu vực đô thị và nông thôn.

Nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư, cụm dân cư nông thôn đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Giảm thiểu chất thải, triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp; áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải, hạn chế xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp, tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Thu gom, xử lý chất thải nguy hại đúng quy định; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải phát sinh do dịch bệnh truyền nhiễm đúng quy định.

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; các chỉ thị, nghị quyết, quy định pháp luật của nhà nước và của tỉnh về bảo vệ môi trường; tiếp tục tham mưu triển khai Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp điều kiện của tỉnh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Phối hợp và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức đoàn thể, cơ quan truyền thông xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông về môi trường gắn với các mô hình giảm thiểu phát thải rác thải nhựa; phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; sản xuất, sử dụng các vật liệu truyền thống để thay thế các sản phẩm từ nhựa; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn và các mô hình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan liên quan tham mưu giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân để sớm triển khai thực hiện. Chủ động theo dõi, giám sát kết quả quan trắc đối với nguồn thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; tổ chức lấy mẫu đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu xả thải trái phép.

Thanh Bảo