5 quan điểm trong thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường thời gian tới

Thứ sáu, 5/8/2022 | 11:56 GMT+7
Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân đã nêu rõ những tồn tại, thách thức trong lĩnh vực môi trường, từ đó đề ra các mục tiêu, quan điểm cần thực hiện để khắc phục tình trạng này.

Cụ thể, theo Thứ trưởng, tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi vẫn ở mức đáng báo động, nhất là ô nhiễm tại một số lưu vực sông, làng nghề, ô nhiễm không khí tại thành phố lớn.

Mặt khác, hạ tầng cho công tác bảo vệ môi trường mặc dù đã được đầu tư song vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, nhiều cụm công nghiệp thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung, các trạm quan trắc không khí tự động liên tục chưa đáp ứng với tốc độ phát triển và nhu cầu quản lý trên thực tế…

Khối lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp, trong khi đó, công tác quản lý, thu gom, xử lý còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, các nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới, ô nhiễm theo dòng chảy, công nghệ lạc hậu cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp cận quản lý môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới. Cùng với đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V,

Trước những thách thức và khó khăn trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu phải hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, giữ gìn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Trước mắt, cần thống nhất thực hiện 5 quan điểm để biến những tồn tại, thách thức nêu trên thành cơ hội.

Bao gồm: môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân có vai trò quan trọng; bảo vệ môi trường phải dựa trên sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành, tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế.

Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bảo vệ môi trường phải dựa trên nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả; tăng cường trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch và sự giám sát của cộng đồng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; thúc đẩy phương thức quản lý tổng hợp, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái, liên vùng, liên ngành, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp.

Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững; tăng cường huy động nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại, người hưởng lợi từ các giá trị môi trường phải trả tiền; tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường.

Khả Như