Trong nước

Ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ ba, 28/2/2023 | 14:04 GMT+7
Ngày 27/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương và giải pháp tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, năng suất cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời chủ động tham gia đóng góp vào các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, phù hợp với khả năng và điều kiện của Việt Nam. Phát triển quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ và năng lực làm chủ của người dân, để nông dân và người dân nông thôn thực sự là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Không ngừng nâng cao vị thế làm chủ của người dân nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển của đất nước. Phát triển nông thôn toàn diện với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và có chất lượng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả

Theo đó, nghị quyết nêu rõ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai đầy đủ, toàn diện và hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Bao gồm: đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, quán triệt và thực hiện tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thay đổi tư duy của cả hệ thống chính trị về chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân và cư dân nông thôn. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, tập trung, quy mô lớn; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để chuyển đổi một bộ phận lao động nông thôn sang làm công nghiệp, dịch vụ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế. Đào tạo nguồn nhân lực nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa thực chất, hiệu quả, bền vững, đi vào chiều sâu, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó triển khai phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp khu vực nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển của đất nước trong từng giai đoạn.

Thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khu vực nông thôn; phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đổi mới tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển thị trường trong nước và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và giám sát đánh giá.

Theo nghị quyết, Chính phủ chỉ đạo thường xuyên công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch phát triển các vùng kinh tế - xã hội, quy hoạch cấp tỉnh, xây dựng các chính sách đồng bộ, các chương trình, đề án, dự án và phân bổ các nguồn lực ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW. Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, xây dựng, ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó phải xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án chuyên ngành, lĩnh vực, địa phương.

Minh Khang