Bất động sản

Bản tin bất động sản số 13/2021

Thứ hai, 10/5/2021 | 11:36 GMT+7
Giá đất nền tăng "nóng" tại một số địa phương, Ninh Thuận chú trọng phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội yêu cầu kiểm tra dự án chậm tiến độ 16 năm... là những tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Giá đất nền tăng “nóng” tại một số địa phương

Giá đất nền tại một số điểm cục bộ ở nhiều địa phương tăng cao. Vùng ven Thủ đô Hà Nội có Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì tăng 45%. Một số điểm ở Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh tăng 20%, Hưng Yên tăng 26%. Mới đây, giá đất nền cũng tăng cao tại Thanh Hóa, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TPHCM, Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai…

Tình trạng sốt giá đất đang trở thành vấn đề khó kiểm soát

Tuy nhiên, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc, sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.

Tại thị trường Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường, một số khu vực đất đai người dân quản lý tại các vùng ven đô, nơi được quy hoạch nâng cấp lên quận đều bị đẩy lên tương đương 30 - 50 triệu đồng/m2. Bình quân giá tại các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30%.

Tại TPHCM, giá nhà đất ở Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập thành phố đến nay. Trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng… vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, thậm chí gần 200 triệu đồng/m2. Tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2, nay đã tăng tới 70 - 90 triệu đồng/m2, thậm chí 100 triệu đồng/m2.

Tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai, cảnh báo các nhà đầu tư và người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng…).

Ninh Thuận chú trọng phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành chương trình phát triển nhà ở của địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030; trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng nhà ở cho những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đối tượng chính sách trên địa bàn. 

Giai đoạn 2021 – 2025, Ninh Thuận dự kiến tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình phát triển nhà ở hơn 9.878 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương trên 124,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 37,8 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng chính sách xã hội khoảng 210,8 tỷ đồng và nguồn vốn từ các tổ chức, thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân và vốn vay ngân hàng trên 9.505 tỷ đồng.

Dựa trên dự báo nhu cầu về nhà ở, Ninh Thuận đặt chỉ tiêu đến năm 2025 thực hiện hỗ trợ xây dựng 1.118 căn nhà ở cho người có công với cách mạng với diện tích 50.292 m2; xây 7.268 căn nhà ở cho hộ nghèo tổng với diện tích 327.060 m2; 770 căn nhà ở cho công nhân với diện tích 36.960 m2 và 2.364 căn nhà ở xã hội tương ứng với diện tích khoảng 118.190 m2 nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự do và người thu nhập thấp.

Cùng đó, tỉnh tập trung xây dựng 18.827 căn nhà ở riêng lẻ với tổng diện tích khoảng 2.214.271 m2; xây dựng 1.964 căn nhà ở thương mại với tổng diện tích khoảng 235.668 m2 và 236 căn nhà công vụ với diện tích khoảng 9.440 m2 nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng cư dân khác nhau.

Ninh Thuận đặt mục tiêu chung đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 25m2 sàn/người, tăng tỷ lệ nhà kiên cố lên khoảng 62%, nhà ở bán kiên cố đạt khoảng 37,2%, nhà ở đơn sơ giảm còn 0,8%.

Giai đoạn này, tỉnh phấn đấu hoàn thành thực hiện các chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo và người có công với cách mạng về nhà ở theo chương trình của Chính phủ ban hành. Đến năm 2030, Ninh Thuận phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh khoảng 30 m2 sàn/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố lên 71%, nhà ở bán kiến cố chiếm khoảng 28,6%, nhà ở đơn sơ giảm còn 0,4%.

Hà Nội yêu cầu kiểm tra dự án chậm tiến độ 16 năm

Văn phòng UBND TP Hà Nội mới đây có văn bản gửi UBND quận Cầu Giấy liên quan đến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc giải quyết phản ánh, kiến nghị về một số nội dung liên quan đến việc giải phóng mặt bằng để triển khai dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) và việc xây dựng trái phép của một số hộ dân.

Theo đó, sau khi báo cáo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, Văn phòng UBND TP chuyển văn bản nêu trên đến UBND quận Cầu Giấy xem xét, giải quyết theo quy định; báo cáo kết quả về UBND TP để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Hà Nội yêu cầu kiểm tra dự án chậm tiến độ 16 năm

Theo lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, ngày 25/3, UBND quận đã làm việc các phòng ban, UBND phường Yên Hòa và Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm - chủ đầu tư để giải quyết các vướng mắc, tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng khu đô thị mới Dịch Vọng. Đối với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Liên, giao UBND phường Yên Hòa chủ trì phối hợp với Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm và các đơn vị liên quan thiết lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp. Đồng thời, báo cáo UBND quận, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đề xuất phương án xử lý theo quy định.

Theo lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất, dự án khu đô thị mới Dịch Vọng do Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư từ năm 2003 đến nay trải qua các thời kỳ có nhiều thay đổi; có hiện tượng mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép; một số hồ sơ tài liệu không được lưu giữ đầy đủ qua các thời kỳ chuyển giao nên ảnh hưởng nhiều đến việc giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án. Để giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án… đề xuất UBND quận giao UBND phường Yên Hòa phối hợp với các đơn vị liên quan thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm trật tự xây dựng và báo cáo các cơ quan thẩm quyền tổ chức cưỡng chế theo quy định”.

Thu Uyên