Bản tin môi trường số 33/2023

Thứ ba, 5/9/2023 | 10:23 GMT+7
Mới đây, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam hợp tác cùng Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, UNDP Việt Nam đồng tổ chức hội thảo về bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong quản lý chất thải nhựa.

Nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong mục tiêu giảm ô nhiễm nhựa

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu được nghe Báo cáo đánh giá tình hình bình đẳng giới liên tầng trong chuỗi giá trị về nhựa tại Việt Nam và Chiến lược Bình đẳng giới trong nền kinh tế tuần hoàn về nhựa do NPAP xây dựng. Từ đó tập trung chia sẻ về vai trò của phụ nữ trong quản lý chất thải nhựa tại gia đình và cộng đồng; thảo luận giải pháp góp phần tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam thời gian tới.

Quang cảnh hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil cho biết, ở Việt Nam, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh, quản lý nguồn lực, chăm sóc sức khỏe, xử lý chất thải nhưng không được trả lương, phần lớn hoạt động này được diễn ra trong khu vực phi chính thức. Do đó, phía Canada mong rằng thông qua Báo cáo đánh giá về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong chuỗi giá trị nhựa, các bên cùng phối hợp để đảm bảo bình đẳng giới, hòa nhập, đa dạng và sử dụng môi trường có trách nhiệm ở Việt Nam. Trước mắt, các chương trình, dự án tài trợ của Canada tập trung hỗ trợ quyền và sinh kế của phụ nữ nhằm đóng góp cho các nỗ lực chuyển dịch sang một nền kinh tế nhựa bền vững hơn và mang tính tuần hoàn.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất với quan điểm cần thiết phải lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong kế hoạch hành động chung mà Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đại sứ quán Canada, UNDP Việt Nam và các thành viên thuộc mạng lưới NPAP đề xuất. Điển hình là tích hợp những giải pháp đơn lẻ thành nền kinh tế tuần hoàn nhựa bền vững và toàn diện, bằng cách tận dụng nguồn lực từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, doanh nghiệp và đối tác phát triển.

Bố trí nguồn ngân sách phù hợp cho phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành về việc phân bổ vốn ngân sách Trung ương trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương.

Cân nhắc nguồn ngân sách phù hợp trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, với tính cấp bách của việc xử lý sạt lở, các địa phương, Bộ, ngành phải nhanh chóng rà soát, phối hợp, đề xuất danh mục dự án xử lý sạt lở bờ sông ở 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long nhanh nhất, kịp thời, phù hợp quy định pháp luật, trên tinh thần trọng tâm, trọng điểm, sớm triển khai thực hiện. Theo đó, với 7 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Cần Thơ, các Bộ cần hoàn thiện các phương án theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động phối hợp các địa phương, Bộ, ngành rà soát lần nữa với 5 tỉnh mà Bộ đi khảo sát để có đề xuất chính thức.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn vốn dự phòng phải bảo đảm quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, Luật Phòng, chống thiên tai; đồng thời bảo đảm nguyên tắc “xử lý cấp bách” cũng như thời gian thực hiện dự án.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các cuộc làm việc với địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long; Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ, đánh giá cùng các địa phương, xin ý kiến thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tránh trùng lặp những dự án có kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn khác; phải làm một cách chặt chẽ, thận trọng. Yêu cầu các Bộ rà soát, thống nhất đề xuất danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trước ngày 15/9/2023 để có nguồn lực cùng với các địa phương xử lý kịp thời các khu vực sạt lở.

Na Uy cam kết hỗ trợ Việt Nam xử lý rác thải, phát triển kinh tế biển

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh tiếp và làm việc với bà Hilde Solbakken, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Na Uy tại Việt Nam về các chương trình chống rác thải nhựa, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao những nỗ lực của Đại sứ Hilde Solbakken trong thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam

Tại buổi làm việc, bà Hilde Solbakken nhấn mạnh, Na Uy luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cả hai nước đều nỗ lực thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Na Uy đánh giá rất cao cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Việt Nam. Là một trong những quốc gia đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện Thỏa thuận Paris, tại Hội nghị COP26, Na Uy đã quyết định tăng gấp đôi vốn hỗ trợ cho hoạt động thích ứng tại các quốc gia này. Thông qua các tổ chức như Quỹ biến đổi xanh và Quỹ đầu tư khí hậu, Na Uy đang đồng hành hiệu quả cùng Việt Nam để giảm phát thải, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đánh giá cao Na Uy vì đã tích cực thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, kinh tế biển. Qua đây, mong muốn trong nhiệm kỳ công tác của mình, nữ Đại sứ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong những lĩnh vực mà Na Uy có thế mạnh như điều tra đánh giá tiềm năng và quy hoạch không gian biển, phát triển kinh tế biển xanh. Bên cạnh đó, Bộ cũng cho rằng việc xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa không thể tái chế, bằng công nghệ đồng xử lý trong sản xuất xi măng có tính thực tiễn cao, mong rằng cho thể học hỏi kinh nghiệm từ Na Uy trong tương lai.

Thanh Tâm (t/h)