Bản tin môi trường số 5/2020

Thứ hai, 30/3/2020 | 10:15 GMT+7
Cà Mau trên 20.000 người thiếu nước ngọt, cần 311 tỷ đồng hỗ trợ; thời tiết phức tạp ảnh hưởng tới chất lượng không khí Hà Nội; Hà Tĩnh kiên quyết thu hồi các dự án treo... là những tin tức môi trường nổi bật tuần vừa qua.

Cà Mau trên 20.000 người thiếu nước ngọt, cần 311 tỷ đồng hỗ trợ

UBND tỉnh Cà Mau vừa có tờ trình Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán phục vụ sản xuất, sinh hoạt năm 2019 – 2020 hơn 311 tỷ đồng. Hiện tỉnh này có trên 20.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Cà Mau thiếu nước sinh hoạt do hạn hán, xâm nhập mặn. (Ảnh minh họa)

Kinh phí này được sử dụng để chủ động trong việc tạo nguồn trữ ngọt nhằm phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt năm 2019 - 2020 và những năm tiếp theo.

Theo thống kê, rà soát, hiện nay ở Cà Mau mực nước trên hệ thông kênh trục, kênh câp I chỉ còn từ 0.3m - 0.5m; trong đó, một số kênh đã cạn nước, hệ thống kênh cấp II, cấp III đều đã khô cạn. Mực nước trên hệ thống kênh xuống thấp, thậm chí khô cạn dần đến mất phản áp, gây ra hiện tượng sụp lún, sạt lở lộ giao thông, đê biển, rò rỉ, xói đáy các cống ngăn mặn; trên 20.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. 

Thời tiết phức tạp ảnh hưởng tới chất lượng không khí Hà Nội

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này AQI có khoảng dao động rất lớn, có những ngày các trạm đều ở mức tốt, nhưng ngược lại có ngày hầu hết các trạm đều có AQI ở mức xấu (trừ trạm Tân Mai).

Cụ thể, cả 5 trạm nền đô thị đều có 28,6% số ngày có AQI đạt mức tốt. Tỷ lệ số ngày có AQI ở mức xấu của trạm Trung Yên 3 là 28,6%, của trạm Tân Mai là 0% và các trạm còn lại là 14,3%. AQI ở mức kém của các trạm cũng dao động từ 28,6 - 42,9%, còn lại ở mức trung bình.

Lý giải về điều này, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua bên cạnh những ngày đầu tuần trời mù sương khiến các chất gây ô nhiễm không có điều kiện khuếch tán, chỉ số CLKK thường xuyên ở mức kém và xấu thì những ngày giữa tuần đã xuất hiện những trận mưa làm rửa trôi các chất gây ô nhiễm, nhờ vậy mà chỉ số AQI của hầu hết các trạm trở về mức tốt - mức không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đến cuối tuần, CLKK đã xấu hơn so với giữa tuần nhưng vẫn có những dấu hiệu khả quan khi trời có nắng và quang mây.

TP HCM kiểm tra việc sử dụng đất hiệu quả, chống lãng phí

UBND TP HCM giao các quận, huyện làm việc với chủ đầu tư để rà soát, đánh giá tiến độ triển khai dự án. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra các tổ chức sử dụng đất đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí sử dụng đất.

TP HCM yêu cầu kiểm tra việc sử dụng đất chống lãng phí

Đối với 1.718 dự án với diện tích hơn 12.400 ha đang thực hiện kế hoạch sử dụng đất thì UBND quận, huyện làm việc với các chủ đầu tư để rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện dự án như: kết quả thực hiện, tình hình bồi thường, giải phóng mặt bằng,… 

Còn đối với các dự án không tiếp tục thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất, gồm 180 dự án với diện tích gần 1.100 ha, UBND TP HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp kết quả từ các quận, huyện và báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 30/4/2020.

UBND TP HCM còn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND các quận, huyện nghiên cứu giải quyết đối với những án vướng mắc theo từng nhóm nội dung phân loại để đề xuất UBND Thành phố quyết định.

Hà Tĩnh kiên quyết thu hồi các dự án treo

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu tiến hành kiểm tra nhằm xử lý nghiêm; kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ kéo dài, ngừng hoạt động, chây ỳ, cố tình giữ đất và không có năng lực tiếp tục triển khai.

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có tổng cộng 300/1.200 dự án đang chậm tiến độ xây dựng, hoặc đầu tư kém hiệu quả, gây lãng phí lớn tài nguyên và ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút đầu tư của tỉnh. Để xảy ra thực trạng này không thể không nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc khảo sát, lựa chọn chủ đầu tư, cũng như vấn đề giám sát, đôn đốc các nhà thầu trong quá trình triển khai dự án.

Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với nhóm dự án cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện... đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dự án hoạt động có hiệu quả.

Hà Tĩnh đang có hàng loạt dự án chậm tiến độ

Đối với nhóm dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thi công xây dựng, yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục rà soát, đôn đốc, kịp thời có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan để triển khai dự án đúng tiến độ, đúng quy định.

Đối với dự án không có lý do khách quan, bất khả kháng: Tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra nhằm xử lý nghiêm; kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ kéo dài, ngừng hoạt động, chây ỳ, cố tình giữ đất và không có năng lực tiếp tục triển khai.

Với các dự án có lý do, nguyên nhân khách quan: Do vướng mắc về thủ tục pháp lý, bồi thường giải phóng mặt bằng… Làm rõ từng nguyên nhân đối với từng dự án cụ thể, tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo hoặc phương án giải quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Việc kiểm tra, rà soát nhóm các dự án này phải hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/6/2020. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung cao công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát dự án đầu tư.

Huyền Châu (t/h)