Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 36/2023

Thứ hai, 18/9/2023 | 08:00 GMT+7
Để có đầy đủ cơ sở hoàn thiện Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị đối với nội dung dự thảo Chiến lược này.

Lấy ý kiến về dự thảo Chiến lược sản xuất năng lượng hydrogen

Theo dự thảo, Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đề ra định hướng phát triển chuỗi giá trị năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng năng lượng hydrogen trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, thời kỳ  2023 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất hydrogen xanh với quy mô lớn từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời)

Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen sẽ định hướng phát triển cho toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng hydrogen bao gồm:

Sản xuất năng lượng hydrogen: phát triển sản xuất các nguồn năng lượng hydrogen từ nguyên liệu hóa thạch kết hợp với lưu trữ carbon (CCS/CCUS) để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước (than, dầu khí). Đẩy mạnh phát triển sản xuất hydrogen xanh với quy mô lớn từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời) khi công nghệ phát triển và chi phí sản xuất cạnh tranh được với công nghệ sản xuất hydrogen từ nguyên liệu hóa thạch.

Sử dụng năng lượng hydrogen: xem xét ưu tiên sử dụng hydrogen cho các lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn, khó điện hóa như giao thông vận tải đường dài (đường bộ, đường biển và hàng không), sản xuất thép, phân bón, xi măng. Nhu cầu sử dụng hydrogen và dẫn xuất (ammoniac) cho phát điện để thực hiện chủ trương chuyển đổi nhiên liệu trong ngành điện sẽ được xem xét, đánh giá chi tiết với lộ trình áp dụng phù hợp.

Vận chuyển, tồn trữ và phân phối hydrogen: đẩy mạnh phát triển hạ tầng tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen đồng bộ với lộ trình sản xuất và sử dụng hydrogen. Xem xét khả năng tậng dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của ngành dầu khí, hóa chất để tồn trữ, vận chuyển hydrogen. Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy phát triển hạ tầng cho lĩnh vực hydrogen.

ADB hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái cho kinh doanh và sản xuất tại Việt Nam

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Công ty TNHH GreenYellow Smart Solutions Việt Nam (GreenYellow) đã ký một hiệp định vay trị giá 13,8 triệu USD cho các hệ thống quang điện mặt trời áp mái nhằm giúp tăng nguồn cung năng lượng sạch với giá cả phù hợp cho các khách hàng kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam.

Ảnh minh họa

Khoản vay này sẽ hỗ trợ việc xây dựng, vận hành các hệ thống quang điện đặt trên mái của các cơ sở kinh doanh và sản xuất trên khắp cả nước. Gói tài trợ bao gồm khoản vay loại A trị giá 3 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB và các khoản vay song song trị giá 10,8 triệu USD từ FMO, Quỹ responsAbility và Société Générale, do ADB là bên chủ trì thu xếp.

Một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu USD cũng sẽ được cung cấp từ Quỹ Đổi mới khí hậu và phát triển (CIDF) do ADB quản lý. Khoản viện trợ sẽ giúp thu hút sự tham gia của một ngân hàng thương mại quốc tế thông qua giải quyết hai rào cản quan trọng đối với việc tài trợ các công trình điện mặt trời có vòng đời kinh tế lâu dài ở Việt Nam: thiếu nguồn tài trợ bằng tiền đồng trong dài hạn với mức lãi suất cố định, khả năng biến động tiềm tàng của tỷ giá hối đoái giữa tiền đồng và đô la Mỹ.

Bà Suzanne Gaboury, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB cho biết: “Với vai trò là ngân hàng tài trợ khí hậu của châu Á và Thái Bình Dương, ADB ngày càng tập trung vào việc huy động nguồn vốn tư nhân để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo mà khu vực đang rất cần. Điện mặt trời áp mái là một giải pháp hiệu quả để Việt Nam hiện thực hóa khối lượng đáng kể công suất năng lượng tái tạo bổ sung, trong khi cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy với chi phí thấp cho người tiêu dùng, giúp thu hút và duy trì hoạt động kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam”.

Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB trong danh mục đầu tư điện mặt trời áp mái dành cho phân khúc kinh doanh và sản xuất tại Việt Nam. Điện mặt trời áp mái là một hình thức cung cấp năng lượng tái tạo mới nổi ở Việt Nam; việc áp dụng trong phân khúc khách hàng này gặp trở ngại do chi phí đầu tư cao và các kênh tài trợ hạn chế. Với tổng công suất lắp đặt theo kế hoạch lên tới 32,3 MW lúc cao điểm, dự kiến dự án sẽ tăng nguồn cung năng lượng sạch cho phân khúc này thêm ít nhất 31,5 GWh mỗi năm, giảm 15.530 tấn khí thải CO2 vào năm 2025.

Doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu đầu tư nhà máy điện sinh khối tại Hà Tĩnh

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải có buổi làm việc với Công ty CP EREX (Nhật Bản) để trao đổi một số nội dung liên quan đến đề xuất tìm hiểu đầu tư nhà máy điện sinh khối tại Hà Tĩnh.

Tại buổi làm việc, ông Honna Hitoshi, Chủ tịch, Giám đốc Công ty CP EREX đề xuất khảo sát, đầu tư dự án nhà máy điện sinh khối với công suất dự kiến 50 MW tại Hà Tĩnh. Nhà máy điện sinh khối đi vào hoạt động sẽ góp phần vào việc thúc đẩy giảm lượng phát thải CO2, bảo đảm sự ổn định và bền vững năng lượng; hỗ trợ địa phương tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Ông Honna Hitoshi khẳng định, Hà Tĩnh rất có tiềm năng đầu tư dự án; đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền, các ngành chức năng để công ty nghiên cứu, khảo sát, thực hiện các thủ tục đầu tư liên quan.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Công ty CP EREX về đề xuất đầu tư nhà máy điện sinh khối

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải khẳng định, tỉnh Hà Tĩnh luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để Công ty CP EREX tìm hiểu, đầu tư dự án vào địa bàn tỉnh. Sở Công Thương sẽ là đơn vị đầu mối trao đổi, phối hợp với công ty, cùng thực hiện các cuộc khảo sát tại tỉnh trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, đại biểu hai bên cũng trao đổi các nội dung xoay quanh Quy hoạch điện VIII; các tiêu chí về mặt bằng, tiềm năng, giao thông, nguồn nước, khoảng cách với khu dân cư… để đầu tư nhà máy điện sinh khối.

Ngân Hà