Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 41/2021

Chủ nhật, 24/10/2021 | 20:56 GMT+7
Việc phối hợp giữa các trường trong đào tạo ngành năng lượng tái tạo để đáp ứng đúng và tốt nhu cầu nhân lực dựa trên tư vấn thực tế của các đơn vị tuyển dụng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành năng lượng tái tạo

Mới đây, Viện Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức tọa đàm Chương trình đào tạo năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU (EVEF) do Liên minh châu Âu (EU) và CHLB Đức đồng tài trợ. 

Tọa đàm diễn ra với hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất xoay quanh những nội dung đào tạo đang được triển khai các trường đại học và định hướng chương trình trong thời gian tới. Phiên thứ hai trao đổi về cách thức phối hợp giữa doanh nghiệp với nhà trường trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thống nhất với định hướng nhà nước. 

Cơ hội việc làm cho sinh viên được đào tạo chuyên sâu về năng lượng tái tạo vẫn rất lớn

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Viện trưởng Viện Điện, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Theo xu thế phát triển hướng tới tỉ trọng năng lượng tái tạo tăng cao trong những năm gần đây, năm học 2021 – 2022, Viện Điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội mở thêm chuyên ngành đào tạo hệ thống điện và năng lượng tái tạo, đào tạo toàn bộ bằng tiếng Anh. 

Chương trình đào tạo sẽ được điều chỉnh theo hướng liên kết với các đối tác công nghiệp để sinh viên tiếp cận được các cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng thực tiễn thay đổi một cách nhanh chóng. Đồng thời, mở rộng cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp với vị trí công việc tiềm năng để rút ngắn thời gian thích ứng với môi trường công việc nhằm phát huy thế mạnh của chương trình đào tạo phổ rộng hiện nay”.

Nhờ sự phát triển vượt trội về năng lượng tái tạo trong 10 năm qua tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực trong ngành năng lượng tái tạo gia tăng rất cao. Tuy vậy, việc chuẩn bị nhân lực cho ngành được thực hiện khá cục bộ và hạn chế. Ví dụ, nhân lực ngành điện truyền thống sẽ được luân chuyển làm cho năng lượng tái tạo và được cử đi các khóa học ngắn hạn do chuyên gia nước ngoài hoặc một số các chuyên gia trong nước phối hợp đào tạo.

Ngoài ra, các trường đại học có ngành điện mở thêm một số môn mới hoặc một số ngành mới về năng lượng tái tạo dựa trên quan điểm nội bộ của lãnh đạo đơn vị đào tạo. Tuy nhiên, việc đào tạo này gặp phải các vấn đề về nội dung, chất lượng đào tạo, hay định hướng của ngành điện và ngành giáo dục về đào tạo năng lượng tái tạo. Do đó, việc phối hợp giữa các trường trong đào tạo ngành năng lượng tái tạo để đáp ứng đúng và tốt nhu cầu nhân lực dựa trên tư vấn thực tế của các đơn vị tuyển dụng là rất cần thiết trong giai đoạn này.

Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch

Theo báo cáo "Indonesia và Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch và cắt giảm chi phí: Phân tích mới về lĩnh vực năng lượng từ AIGCC ASEAN" do Nhóm nhà đầu tư về biến đổi khí hậu châu Á (AIGCC) công bố ngày 20/10, chi phí xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió mới tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện rẻ hơn điện than và điện khí, cho phép khu vực này đẩy nhanh quá trình chuyển đổi để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, cùng với các cải cách chính sách đúng đắn. 

Báo cáo Phân tích hệ thống năng lượng - được thực hiện bởi công ty tư vấn WaterRock Energy Economics cho AIGCC cung cấp một cái nhìn sâu hơn về thị trường điện ở Indonesia và Việt Nam bởi chúng sẽ chiếm hơn 70% lượng khí thải carbon dioxide (CO2) gia tăng ở ASEAN trong thập kỷ này.

Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch

Dựa trên khung giá trị tổng thể có cân nhắc đến tính bền vững, chi phí và an ninh, các giả định về việc sản xuất năng lượng tổng hợp thay thế được đặt ra nhằm tối ưu hóa chi phí, tùy theo nhu cầu.

Trong số những phát hiện, báo cáo cho thấy:

Sự thâm nhập sâu hơn của năng lượng mặt trời cùng năng lượng gió có thể làm giảm chi phí hệ thống trung bình ở Indonesia và Việt Nam, đồng thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và không ảnh hưởng đến sự ổn định của nguồn cung cấp điện.

Một cách tiếp cận tích cực hơn để triển khai năng lượng tái tạo, được hỗ trợ bởi các nỗ lực cải cách thị trường và hiệu quả năng lượng có thể khiến cho lượng phát thải CO2 của ngành điện chạm đỉnh sớm hơn vào năm 2025 ở Indonesia và năm 2027 ở Việt Nam.

Các rào cản chính vẫn còn – điều này yêu cầu cần có hành động chính sách, sự tham gia của các bên liên quan và những giải pháp sáng tạo.

Trong điều kiện hiện tại, phát thải khí nhà kính sẽ tiếp tục gia tăng trong lĩnh vực năng lượng của ASEAN với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4,2%. Điều này cho thấy sự lệch lạc so với xu hướng trung hòa carbon trên toàn cầu.

Giám đốc điều hành AIGCC Rebecca Mikula-Wright cho biết: “Trong thập kỷ qua, thị trường điện ASEAN đã tăng trưởng gần 5% mỗi năm để đạt được quy mô thị trường xấp xỉ như Nhật Bản.

Các nguồn tài nguyên cho năng lượng tái tạo của ASEAN vẫn chưa được tận dụng. Với dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cùng vị trí địa lý thuận lợi, các quốc gia ASEAN có tiềm năng tăng trưởng lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch”.

Kon Tum: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió Kon Plông

UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Quyết định số 970/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án Nhà máy điện gió Kon Plông tại thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo đó, 3 nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án bao gồm: LRVN Wind Pte.ltd (Singapore), Công ty TNHH Quốc tế NOVA, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát.

Dự án có công suất thiết kế là 103,5 MW, được đấu nối vào lưới điện quốc gia với sản lượng điện ròng 260.182 MWh điện/năm. Quy mô kiến trúc xây dựng là 36,04ha, gồm các hạng mục như móng tuabin, khu vực thi công tuabin, đường, móng cho đường dây 33kV, móng cho đường dây 220kV, trạm biến áp 033/220kV, nhà điều hành, trạm cắt 220kV. Tổng diện tích chiếm đất dự kiến sử dụng của dự án là 66,04ha, trong đó diện tích chiếm đất có thời hạn 36,04ha; diện tích chiếm đất tạm thời 30ha.

Ảnh minh họa

Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 3.500 tỷ đồng (tương đương 152,86 triệu USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 525 tỷ đồng (tương đương 22 triệu USD), chiếm 15% tổng mức đầu tư; vốn huy động là 2.975 tỷ đồng (tương đương 130 triệu USD), chiếm 85% tổng mức đầu tư.

Cơ cấu góp vốn của nhà đầu tư bao gồm: LRVN Wind Pte.ltd góp 440,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 88,3%); Công ty TNHH Quốc tế NOVA góp 21,1 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 4,03%) và Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát góp 63,4 tỷ đồng (chiếm 20,9%).

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2023. Trong đó, tiến độ chuẩn bị đầu tư, hoàn thành các thủ tục pháp lý sẽ bắt đầu từ tháng 7/2021 - tháng 8/2022; tiến độ khởi công công trình sẽ từ tháng 8 – tháng 10/2022; tiến độ xây dựng các hạng mục công trình sẽ từ tháng 10/2022 - tháng 2/2023; tiến độ hoàn thành dựán đưa vào hoạt động sẽ từ tháng 2 – tháng 4/2023.

Ngân Hà