Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 47/2020

Thứ hai, 30/11/2020 | 09:03 GMT+7
Mới đây, tại TPHCM, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) lần đầu tiên phối hợp với Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) tổ chức hội thảo “Giải pháp cho điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp và thương mại tại Việt Nam”.

Giải pháp cho ĐMTMN khu công nghiệp và thương mại tại Việt Nam

Tham gia hội thảo có hơn 100 khách mời là các đối tác chính của GIZ trong lĩnh vực ĐMTMN và hơn 80 doanh nghiệp thuộc khối thương mại - công nghiệp cùng với đại diện từ các Tổng công ty điện lực, các trường cao đẳng dạy nghề, các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án và nhà thầu EPC tại TPHCM cũng như trên cả nước.

Hội thảo giới thiệu đến các đơn vị quan tâm tài liệu “Hướng dẫn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) khu vực thương mại - công nghiệp tại Việt Nam” do GIZ xây dựng, đồng thời trao đổi về những cơ hội đầu tư ĐMTMN cho khu vực này.

Ra mắt vào tháng 10/2020, tài liệu “Hướng dẫn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà khu vực thương mại - công nghiệp tại Việt Nam” cung cấp thông tin xác thực, thực tế và cập nhật cho các nhà phát triển/nhà đầu tư hệ thống ĐMTMN thương mại hoặc công nghiệp. Hội thảo giới thiệu những nội dung chính của tài liệu bao gồm thông tin về sự phát triển thị trường ĐMTMN tại Việt Nam, thông tin về chính sách - khung pháp lý và hướng dẫn lựa chọn mô hình đầu tư kinh doanh phù hợp nhất. Tài liệu mô tả các bước quan trọng của quá trình phát triển dự án ĐMTMN cũng như những gợi ý thực tiễn và hiểu biết thực tế dựa trên kinh nghiệm phát triển dự án ĐMTMN của các công ty tại Việt Nam trước đây.

Đẩy mạnh việc sử dụng ĐMTMN tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao 

Tại hội thảo, Ban kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giới thiệu về EVNSOLAR (http://solar.evn.com.vn/) – một nền tảng ĐMTMN do EVN phát triển, cung cấp giải pháp toàn diện cho các chủ đầu tư là hộ gia đình, doanh nghiệp có mái nhà, có nhu cầu phát triển dự án ĐMTMN. Đại diện EVN cũng trình bày về hiện trạng và những tiềm năng của thị trường ĐMTMN cho khối thương mại - công nghiệp, đặc biệt tại TPHCM, cũng như chương trình phát triển ĐMTMN và năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp. 

Đại diện HBA cũng tham gia chia sẻ về kế hoạch phát triển ĐMTMN tại các khu công nghiệp tại TPHCM cùng với các hoạt động triển khai nâng cao năng lực cho đối tác doanh nghiệp tại 18 khu công nghiệp trên địa bàn TP.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất – khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại TPHCM đang dành sự quan tâm rất lớn đến ĐMTMN sau khi thấy được sự phát triển ấn tượng của thị trường này trong hơn 1 năm trở lại đây. Chúng tôi rất vui mừng khi tham gia hội thảo ngày hôm nay và chia sẻ về kế hoạch phát triển ĐMTMN tại các khu chế xuất – khu công nghiệp và khu công nghệ cao TPHCM. Chương trình phát triển ĐMTMN và năng lượng tái tạo HBA được thành lập và triển khai từ tháng 10/2019 với mục đích hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về đẩy mạnh việc sử dụng ĐMTMN tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhằm tiết kiệm điện, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên và góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt chúng tôi đánh giá cao việc GIZ xuất bản tài liệu hướng dẫn đầu tư ĐMTMN và tin tưởng rằng đây là một tài liệu giá trị, đáng tin cậy cho các doanh nghiệp tham khảo khi có ý định đầu tư vào ĐMTMN hoặc đang triển khai mô hình này tại cơ sở”.

Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (4E), Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ (ESP) chia sẻ: “Với sự hợp tác thành công giữa Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ với HBA, chúng tôi hy vọng được đóng góp vào sự phát triển của điện mặt trời, đưa điện mặt trời trở thành một nguồn năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng và bền vững cho khối thương mại - công nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác với HBA trong tương lai trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng nói chung và ĐMTMN khu công nghiệp và thương mại nói riêng”.

Tài liệu “Hướng dẫn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà khu vực thương mại - công nghiệp” được phát triển trong khuôn khổ của “Dự án thí điểm điện mặt trời mái nhà”, một dự án hợp tác  giữa Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Syntegra Solar International và Công ty Cát Tường thuộc chương trình develoPPP.de, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) ủy quyền thực hiện nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển một ngành năng lượng bền vững, đáng tin cậy và giá cả phải chăng. Bộ bốn mẫu hợp đồng bổ sung cho các mô hình kinh doanh khác nhau cho ĐMTMN được phát triển trong khuôn khổ Dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (4E)/Dự án hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU (EVEF). Tài liệu được cung cấp miễn phí bằng hai ngôn ngữ tại địa chỉ: http://vepg.vn/rts-investment-guidelines 

Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư dự án điện gió Ia Boòng - Chư Prông 

UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 627/QĐ-UBND ngày 16/11/2020 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Ia Boòng - Chư Prông. Theo đó, địa điểm thực hiện dự án là: xã la Me, xã la Boòng, xã la Drang, xã la O, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Năng lượng tái tạo Chư Prông. Vốn đầu tư dự kiến là hơn 1.664 tỷ đồng. Trong đó: vốn góp của nhà đầu tư chiếm 30% tổng vốn đầu tư; vốn vay từ ngân hàng chiếm 70% tổng vốn đầu tư. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Vốn đầu tư dự kiến cho dự án điện gió Ia Boòng - Chư Prông là hơn 1.664 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Nhà máy sẽ sử dụng công nghệ tuabin gió trục ngang, công suất lắp đặt 50MW. Sản lượng điện thương phẩm hàng năm ước tính là: 130.640,9 MWh/năm. Diện tích đất sử dụng cho dự án là 28,8 ha, trong đó đất có thời hạn 16,8 ha và đất tạm thời 12 ha (diện tích sử dụng đất của dự án sẽ được chuẩn xác trong giai đoạn thiết kế và các bước thủ tục tiếp theo; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không ảnh hưởng đến đất rừng, đất trồng lúa, đất quốc phòng - an ninh).

Về tiến độ thực hiện: tháng 9/2020 - 11/2020: được cấp quyết định chủ trương đầu tư; lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án đầu tư và thiết kế cơ sở. Từ tháng 10/2020 - 1/2021: lập phương án và tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, lập thủ tục cho thuê đất. Từ tháng 12/2020 - 01/2021: lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Từ tháng 2/2021 - 5/2021: khởi công và thi công các công trình hạ tầng chính. Từ tháng 5/2021 - 10/2021: lắp đặt thiết bị, nghiệm thu, vận hành.

Tìm cách huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập

Tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển mới đây đã phối hợp tổ chức tổ chức hội thảo “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập”.

Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 55 được đánh giá là có nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại.

Nghị quyết đã xác định quan điểm “khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”, “thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế

Đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn, đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện. Cho đến tháng 8/2020, các dự án nguồn điện độc lập (IPP) đã được đầu tư và vận hành có công suất khoảng 16.400 MW (chiếm 28,3% công suất đặt ra của toàn hệ thống) và ngày càng có xu hướng tăng lên theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 55. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng.

Trong khi đó, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn song theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành điện cũng còn một số vướng mắc trong lĩnh vực quản lý ngoại hối…

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế. Đồng thời, dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn nhưng sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí gồm: có quy mô thị trường đủ lớn; có khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn; rủi ro thấp.

Tại hội thảo, các diễn giả tập trung thảo luận một số chủ đề như: khái quát quy trình cấp vốn và phân bổ rủi ro giữa các bên trong Hợp đồng mua bán điện (PPA); cách thức cải thiện chỉ số tín dụng quốc gia cho Việt Nam; tham gia của ngân hàng địa phương vào các dự án huy động vốn quốc tế; những chuẩn mực cần có trong Hợp đồng mua bán điện để có thể huy động vốn đầu tư cho các dự án điện độc lập; cụ thể các tiêu chuẩn kêu gọi vốn và cách thức phân bổ rủi ro trong Hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện độc lập; kinh nghiệm đầu tư các dự án điện độc lập tại Trung Đông và Indonesia (Hợp đồng mẫu PPA); chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam… Bên cạnh đó, các đại biểu đã trao đổi về những cơ chế, chính sách liên quan đến việc huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập.

PV