Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 47/2021

Chủ nhật, 5/12/2021 | 20:51 GMT+7
Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam - Vietnam Wind Power 2021 mới đây đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam năm 2021

Ngày 1/12, Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam - Vietnam Wind Power 2021 được khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức bởi Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phối hợp cùng Informa Markets, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương (GIZ) - Đức, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy, Cơ quan Xúc tiến Thương mại – Đầu tư Na Uy (Innovation Norway) và Đại sứ quán Vương quốc Anh.

Sự kiện diễn ra vào ngày 1 và 2/12, trong khuôn khổ của Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Trong lần tổ chức thứ 4, Hội nghị Vietnam Wind Power 2021 tiếp tục cung cấp các thông tin mới nhất về bức tranh năng lượng toàn cầu, tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng cũng như tiềm năng và xu hướng phát triển của ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam và Đông Nam Á trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, năm 2021 là một năm đáng nhớ với ngành điện gió Việt Nam. Đến cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã đạt gần 4GW công suất lắp đặt điện gió trên bờ. Đáng chú ý, tại Hội nghị COP 26 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ có những nỗ lực để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào 2050... Đây là những tín hiệu lạc quan cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực điện gió tại Việt Nam.

Ngành công nghiệp năng lượng điện gió đang có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành GWEC cho rằng, trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng xanh trên toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì vị trí đi đầu trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ cho ngành điện gió... Vì thế, đây là thời điểm quan trọng để thúc đẩy chuyển giao công nghệ năng lượng, giúp ngành năng lượng gió của Việt Nam phát triển, góp phần vào việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh tại hội nghị: “Trong quá trình chuyển đổi năng lượng từ điện than sang năng lượng tái tạo, điện gió đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng tương lai, là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, các vấn đề đặt ra với chúng ta không chỉ nằm ở chính sách mà cốt lõi nằm ở công nghệ. Công nghệ không chỉ giúp giải bài toán tổng thể từ khâu sản xuất, lắp đặt, vận hành, giám sát, truyền tải, phân phối đến các vấn đề tối ưu hóa hiệu năng lưu trữ năng lượng, kéo dài tuổi thọ của thiết bị hay xử lý, tái chế rác thải công nghệ mà còn có khả tạo ra những mô hình mới, hướng đi mới cho ngành năng lượng nói riêng và các ngành khác nói chung”.

Cũng tại hội nghị, đại diện từ Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy và Đại sứ quán Vương quốc Anh đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc hỗ trợ phát triển ngành điện gió Việt Nam, qua đó giúp Việt Nam thực hiện những cam kết bảo vệ môi trường của mình, đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững hơn và xanh hơn.

Khánh thành Nhà máy điện gió V1-3 Bến Tre

Mới đây, Lễ khánh thành Nhà máy điện gió V1-3 Bến Tre diễn ra tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đây là công trình điện gió đầu tiên được đưa vào vận hành thương mại của tỉnh Bến Tre.

Dự án Nhà máy điện gió V1-3 Bến Tre được khởi công ngày 5/4/2020 với tổng số vốn trên 1.500 tỷ đồng. Dự án có 7 trụ tuabin gió, công suất 4,2MW/tuabin. Trạm biến áp nâng có công suất 40MVA và đường dây 110kV với quy mô 2 mạch, có chiều dài 11,6km đi qua 5 xã, thị trấn Ba Tri và đường dây cáp ngầm 22kV đấu nối từ các tuabin dẫn vào trạm biến áp nâng có chiều dài 12km. Dự kiến sản lượng điện hàng năm là 105 triệu kWh.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy điện gió V1-3 Bến Tre

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ban, ngành liên quan cùng nhà đầu tư, các nhà thầu trong công tác lập quy hoạch, thiết kế và tổ chức thi công xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn; sự phối hợp tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của huyện Ba Tri và các xã, thị trấn trong công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ quá trình thi công công trình.

Để công trình đưa vào khai thác hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đề nghị: Sở Công Thương phối hợp cùng các ngành, UBND huyện Ba Tri tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình vận hành nhà máy. Chủ đầu tư tổ chức quản lý, khai thác, vận hành Nhà máy điện gió V1-3 Bến Tre đảm bảo phát huy hiệu quả để nhà máy thực sự trở thành một điểm nhấn của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Hoàn thành lắp đặt thiết bị của dự án điện gió trên đảo Bạch Long Vĩ

Theo đại diện Ban quản lý dự án phát triển điện lực (Tổng công ty Điện lực miền Bắc), cuối tháng 11 vừa qua, các đơn vị vừa lắp đặt thành công cánh quạt tuabin gió của dự án điện gió đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng.

Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đang chỉ đạo, tổ chức chạy thử và hướng dẫn vận hành dự án. Dự kiến, dự án sẽ được tổ chức nghiệm thu đóng điện và bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 12/2021.

Các đơn vị thi công hoàn thành việc lắp đặt cánh quạt tuabin gió tại đảo Bạch Long Vĩ

Dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2019. Chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Quản lý thực hiện dự án là Ban quản lý dự án phát triển điện lực. Đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hành là Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng. Dự án được Tổng công ty Điện lực miền Bắc triển khai từ cuối năm 2020. Theo đó, xây mới 1 tuabin gió với công suất 1MW, xây dựng mới trang trại điện mặt trời với công suất lắp đặt 504kWp, lắp đặt mới 2 máy phát điện 1.000KVA, lắp đặt mới hệ thống ắc quy lưu trữ 630kVA/2000kVAh, lắp đặt mới hệ thống tủ phân phối 0,4kV, hệ thống hòa đồng bộ máy phát, hệ thống microgrid.

Mục tiêu của dự án là cung cấp điện ổn định liên tục và không hạn chế đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, dịch vụ sản xuất, du lịch của các hộ dân, doanh nghiệp cùng các đơn vị khác trên đảo; tạo động lực cho việc phát triển các ngành nghề công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển kinh tế biển, hoạt động du lịch biển; đáp ứng điều kiện trở thành trung tâm chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Đồng thời, dự án đảm bảo việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển; khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động cung cấp điện.

Ngân Hà