Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 48/2022

Thứ hai, 12/12/2022 | 08:00 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển (Business Sweden) và Tập đoàn Hitachi Energy vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Chuyển đổi năng lượng – Vai trò của hệ thống điện” tại Hà Nội.

Chia sẻ giải pháp vận hành hệ thống điện có tỉ trọng năng lượng tái tạo cao

Khai mạc hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, trong hơn 3 năm qua, với chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo đã phát triển rất nhanh. Tính đến nay có khoảng 16.500MW điện mặt trời và 5.000MW điện gió (chiếm khoảng 27% công suất lắp đặt toàn hệ thống). Nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng để góp phần đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là khu vực phía Nam - nơi có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao trong các năm trước đó. 

Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về trung hòa carbon vào năm 2050. Mục tiêu này đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam, đặc biệt là ngành điện những thách thức vô cùng to lớn khi vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa phải thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải CO2, đồng thời phải đáp ứng mức giá điện hợp lý.

Hội thảo “Chuyển đổi năng lượng – Vai trò của hệ thống điện”

Theo bà Ann Måwe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn năng lượng tái tạo - nguồn điện vốn phụ thuộc vào thời tiết trong cơ cấu phát điện có thể gây ra một số thách thức trong việc vận hành. Một trong những thách thức là lưới điện hiện hữu có thể không đáp ứng với các nguồn phát mới đặt tại những địa điểm xa trung tâm phụ tải. 

Tại hội thảo, các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp của Thụy Điển về kinh nghiệm triển khai chuyển dịch năng lượng ở các nước, những thách thức trong công tác vận hành hệ thống điện với nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng lớn; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và các ví dụ thực tiễn về phương án giải quyết những thách thức đó bằng cách áp dụng những giải pháp công nghệ và thiết bị tiên tiến. 

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Âu

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp và làm việc với ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU và các nước thành viên; đồng thời, Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – EU. 

Theo Thủ tướng, Việt Nam mong muốn EU khuyến khích các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục quan tâm thúc đẩy các dự án đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần toàn…

Thủ tướng tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng nêu rõ thế giới đang trong thời kỳ chuyển đổi năng lượng quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, đòi hỏi có cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Đồng thời, phải có cách tiếp cận toàn dân vì người dân luôn là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, động lực và là mục tiêu của sự phát triển. Trong quá trình này, cần bảo đảm công bằng, công lý trong tổng thể chung và đối với từng quốc gia.

Thời gian qua, Việt Nam và Vương quốc Anh, EU, đại diện cho một số nước G7 đã nỗ lực đàm phán xây dựng nội dung dự thảo Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ "Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng" (JETP). Thủ tướng đề nghị các bên tiếp tục thúc đẩy vấn đề này và EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính, chuyển giao công nghệ cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy các đối tác phát triển sớm có cam kết cụ thể hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong sản xuất trang thiết bị, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Ông Giorgio Aliberti khẳng định Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt là trong chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển năng lượng tái tạo… Bên cạnh đó, ông Giorgio Aliberti khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đã đề cập, trong đó có thúc đẩy quan hệ "Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng".

Doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tại Đại Hàn Dân Quốc, ngày 5/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp lãnh đạo các Tập đoàn CJ, Lotte, LG, Daewoo E&C, Hyundai Motor, GS E&C, Doosan…

Tiếp ông Lim Byeong Yong, Phó Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn GS E&C, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập đoàn tiếp tục mở rộng quy mô hợp tác; mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng xanh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược về giao thông, đô thị lớn, y tế, năng lượng, hạ tầng số...

Doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam. (Ảnh mimh họa)

Tiếp ông Yeonin Jung, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Tập đoàn Doosan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của tập đoàn tại Việt Nam về sản xuất các thiết bị lớn như: lò hơi, cần cẩu, thiết bị năng lượng.... Chủ tịch nước mong muốn Doosan cùng xây dựng các giải pháp năng lượng xanh và sạch, hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại các cuộc tiếp, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam, khẳng định cam kết tiếp tục đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngân Hà