Sức khỏe

Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét

Thứ ba, 5/9/2023 | 16:08 GMT+7
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3377/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét.

Theo quyết định, bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra gồm: Plasmodium falciparum (P. falciparum), Plasmodium vivax (P. vivax), Plasmodium malariae (P. malariae), Plasmodium ovale (P. ovale) và Plasmodium knowlesi (P. knowlesi). Muỗi Anopheles là véc tơ truyền bệnh.

Người bệnh nghi ngờ mắc sốt rét khi có triệu chứng sốt hoặc có tiền sử sốt trong 3 ngày gần nhất; có triệu chứng điển hình của cơn sốt rét: rét run, sốt và vã mồ hôi, có tính chu kỳ. Những người bị sốt rét lần đầu tiên thường không có cơn sót rét điển hình mà thường sốt không thành cơn (người bệnh thấy ớn lạnh, gai rét) hoặc sốt cao liên tục, sốt dao động. Tất cả các trường hợp nghi ngờ sốt rét đều phải làm xét nghiệm để phát hiện ký sinh trùng sốt rét.

Ảnh minh họa

Khi bị mắc sốt rét, cần chú ý tình trạng sức khỏe để có hướng điều trị phù hợp. Trường hợp sốt rét chưa biến chứng sẽ không có dấu hiệu đe dọa tính mạng người bệnh, có thể có triệu chứng lâm sàng hoặc không gồm: cơn sốt rét điển hình 3 giai đoạn (rét run - sốt - vã mồ hôi, có tính chu kỳ); cơn sốt rét không điển hình (sốt không thành cơn, ớn lạnh, gai rét, sốt liên tục hoặc dao động); thiếu máu; lách to; gan to...

Trường hợp sốt rét ác tính/biến chứng, giai đoạn này có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh; sốt rét ác tính thường xảy ra trên những người bệnh nhiễm P. falciparum hoặc nhiễm phối hợp có P. falciparum. Các trường hợp nhiễm P. vivax hoặc P. knowlesi đơn thuần cũng có thể gây sốt rét ác tính. Một số triệu chứng khi mắc sốt rét ác tính có thể kể đến như: rối loạn ý thức nhẹ, thoáng qua (li bì, cuồng sảng, vật vã ...); sốt cao liên tục; rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng cấp); đau đầu dữ dội; mật độ ký sinh trùng thể vô tính cao; thiếu máu nặng: da xanh, niêm mạc nhợt.

Bệnh sốt rét có thuốc điều trị đặc hiệu và bệnh có thể phòng chống được. Đến năm 2022, Việt Nam đã có 42 tỉnh được công nhận loại trừ sốt rét, tuy nhiên vẫn còn 21 tỉnh có sốt rét lưu hành và có các trường hợp mắc bệnh sốt rét ngoại lai do đi làm việc, công tác, du lịch từ các quốc gia có sốt rét lưu hành trở về.

Trạm y tế xã, phòng khám bệnh tư nhân có thể điều trị sốt rét thể thông thường. Trong quá trình điều trị cần theo dõi sát người bệnh, khi có dấu hiệu dự báo ác tính phải chuyển ngay lên cơ sở y tế tuyến trên. Lưu ý, không chuyển ngay những người bệnh đang trong tình trạng sốc (mạch nhanh nhỏ khó bắt, chân tay lạnh, vã mồ hôi, tụt huyết áp), phù phổi cấp, co giật... Trường hợp này cần đề nghị tuyến trên xuống tăng cường bằng phương tiện nhanh nhất, đồng thời tiếp tục điều trị tích cực trong khi chờ đợi.

Trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện đa khoa tuyến huyện và bệnh viện tư nhân, các cơ sở này có thể điều trị tất cả trường hợp sốt rét; ở một số cơ sở y tế nếu trang thiết bị cấp cứu không đảm bảo thì chuyển bệnh nhân lên cơ sở y tế tuyến trên là bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương.

Về điều trị mở rộng, Bộ Y tế chỉ đạo điều trị cho toàn dân vùng nguy cơ bằng cách sử dụng một liệu trình điều trị đầy đủ thuốc chống sốt rét (bất kể có triệu chứng của nhiễm ký sinh trùng sốt rét hay không) ở trong cùng một thời điểm và thường được lặp lại trong một khoảng thời gian. Việc điều trị toàn dân giúp ngăn chặn sự lây truyền của bệnh sốt rét; giảm nguy cơ lây lan đa kháng thuốc; nhất là trong các vụ dịch sốt rét hoặc có nguy cơ xảy ra dịch sốt rét; trường hợp khẩn cấp, tình trạng đặc biệt. Các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh quyết định chọn phạm vi điều trị, thuốc sử dụng phù hợp và số lần điều trị.

Về điều trị nhóm đối tượng có nguy cơ cao: chủ động điều trị một liều đầy đủ của thuốc sốt rét cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh sốt rét cao hơn so với quần thể nói chung (đi rừng, ngủ rẫy, đi vào vùng sốt rét lưu hành, giao lưu biên giới...). Tùy thuộc vào tần suất và thời gian phơi nhiễm, có thể điều trị trước, trong hoặc sau khi có nguy cơ phơi nhiễm.

Cần cấp thuốc cho những người đi vào rừng, vùng sốt rét lưu hành để sử dụng khi nghi ngờ bị mắc sốt rét (sốt, rét run...) mà không tiếp cận được dịch vụ chẩn đoán, điều trị. Cán bộ y tế từ tuyến xã trở lên mới được cấp thuốc tự điều trị, hướng dẫn cho người được cấp thuốc biết cách sử dụng thuốc và theo dõi sau khi trở về. Thuốc sốt rét được cấp để tự điều trị là thuốc phối hợp (đủ liều 3 ngày).

Ngọc Mai