Bừng sáng Cù Lao Chàm

Thứ ba, 4/4/2017 | 19:23 GMT+7
Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm bằng cáp ngầm được Chính phủ đồng ý chủ trương vào tháng 5/2014. Ngày 9/1/2016, dự án chính thức được khởi công xây dựng với quy mô gồm 15,48km cáp ngầm 22kV xuyên biển; 17,214km đường dây 22kV trên đất liền; 6 trạm biến áp phân phối 22/0,4kV có tổng dung lượng 900 kVA; 11km đường dây hạ áp 0,4kV và các hạng mục phụ trợ... với tổng mức đầu tư 484,815 tỷ đồng; trong đó 85% là vốn từ ngân sách trung ương, 15% còn lại là vốn của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC).

Điện về Cù Lao Chàm

Các hạng mục lưới điện trên bờ phía Hội An và đảo Cù Lao Chàm đã được thi công hoàn thành từ tháng 8/2016; tuyến cáp ngầm xuyên biển hoàn thành việc kéo cáp ngầm lên đảo Cù Lao Chàm ngày 30/8/2016. Ngày 31/8/2016, EVNCPC đã hoàn thành thử nghiệm cáp, bảo đảm chất lượng đóng điện và kiểm tra các hạng mục khác, cung cấp điện vào đầu tháng 9/2016. Ông Trần Tấn Dũng - Bí thư xã Tân Hiệp - cho biết: Khi chưa có điện, đời sống vật chất cũng như việc hưởng thụ văn hóa tinh thần của bà con trên đảo Cù Lao Chàm rất hạn chế. "Dự án Cấp điện lưới quốc gia đi vào hoạt động, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên đảo được nâng lên, tác động tích cực đến cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa đất liền với đảo" - ông Dũng cho biết. 

Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới nên lượng du khách đến đây thăm quan, nghỉ dưỡng rất nhiều. Trước khi dự án kéo điện ngầm vượt biển từ đất liền ra xã đảo Cù Lao Chàm hoàn thành, từ 17 giờ chiều - 22 giờ tối hàng ngày, tiếng máy nổ rất ồn ào, điện cũng không đủ tải nên không người dân, doanh nghiệp không dám đầu tư lớn cho việc phát triển kinh tế. Có ánh sáng điện, mọi thứ đều đổi mới, phát triển. "Nhà tôi đầu tư mấy tủ đông đá, để trữ thực phẩm, đá nên có điều kiện để phục vụ khách tốt hơn", ông Trí - chủ quán ăn Dân Trí - chia sẻ. 

Nhiều hộ dân Cù Lao Chàm đã chuẩn bị tâm thế mua nhiều trang thiết bị để sử dụng trong gia đình. Đặc biệt, các hộ dịch vụ, phục vụ du lịch thì rất phấn khởi. Chị Dương Thị Anh - chủ một nhà nghỉ trên đảo - phấn khởi nói: Trước đây chưa có điện, không có điều hòa, khách rất ít ở lại. Giờ có điện, gia đình đầu tư đầy đủ điều hòa, nóng lạnh, tuy giá phòng tăng từ 150.000 đồng/ngày lên 250.000 đồng/ngày nhưng khách vẫn thường ở kín phòng. 

Không chỉ có chị Anh mà nhiều hộ kinh doanh khác tự tin mua sắm, đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, kinh doanh dịch vụ. Bà Nguyễn Thị Ngôn đã có hơn 30 năm kinh doanh trên đảo Cù Lao Chàm nhưng từ khi có điện, bà mới dám đầu tư 350 triệu đồng mở nhà hàng. "Có điện quốc gia, dân trên đảo vui lắm. Người dân ở đây làm ăn mạnh mẽ hơn, đầu tư xây dựng, sửa sang lại quán xá, nhà cửa, mua thêm thiết bị điện máy để sẵn sàng phục vụ khách. Tất cả là nhờ có điện. Không có điện, dân Bãi Hương vẫn mãi như ngày nào" - bà Ngôn nói.  

Nguồn: Báo Công thương