Chỉ thị mới về công tác khí tượng thủy văn quốc gia

Thứ sáu, 1/10/2021 | 14:46 GMT+7
Mới đây, thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn (KTTV) đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chỉ thị nêu rõ, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phấn đấu đến năm 2030 ngành KTTV nước ta đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến khu vực châu Á, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTTV trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ thiết thực đời sống dân sinh. Công tác KTTV là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác KTTV trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, phụ trách. Thông tin, dữ liệu KTTV phải được xác định là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành. Đề cao và phát huy vai trò của công tác KTTV trong dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát, thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng hoạt động KTTV để thu thập thông tin bí mật quốc gia, chống phá nhà nước.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến; hoàn thiện phương pháp, quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu KTTV, đặc biệt là thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng KTTV nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường với độ tin cậy chính xác cao.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác KTTV

Chú trọng đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác KTTV theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch hệ thống mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia và trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của các Bộ, Ngành, địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả; ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, khu vực ven biển, biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam. Xây dựng định mức, tiêu chuẩn phục vụ công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống trạm KTTV.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTV, bảo đảm điều chỉnh toàn diện các đối tượng, phạm vi, loại hình hoạt động có liên quan. Quy định cụ thể việc sử dụng, chia sẻ và kết nối liên thông thông tin, dữ liệu KTTV giữa các Bộ, ngành, địa phương và quốc tế; có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác KTTV, nhất là ở những vùng khó khăn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về KTTV.

Hơn nữa, cần củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác KTTV, gắn với đổi mới phương thức hoạt động hiệu quả; phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là người đứng đầu. Có lộ trình, phương án phù hợp để đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KTTV. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác KTTV, bảo đảm chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Có hình thức phù hợp để phổ biến kiến thức cơ bản về KTTV cho học sinh phổ thông và học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quốc phòng, an ninh.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Kết hợp nguồn lực từ ngân sách nhà nước với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi quốc tế cho công tác KTTV. Ưu tiên phân bổ ngân sách để bảo đảm duy trì, vận hành hoạt động của mạng lưới trạm quan trắc và công tác dự báo KTTV quốc gia.

Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động KTTV; phát triển mạnh thị trường dịch vụ KTTV đáp ứng nhu cầu của các ngành, lĩnh vực; triển khai một số sản phẩm, dịch vụ KTTV theo phương thức đối tác công - tư.

Mặt khác, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV, đặc biệt với các quốc gia phát triển, các quốc gia ở thượng nguồn các con sông xuyên biên giới; ưu tiên các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phục vụ quan trắc, đo đạc, thám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu KTTV trên biển Đông.

Tăng cường trao đổi thông tin, dữ liệu KTTV, kinh nghiệm với các nước, các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm nâng cao năng lực, trình độ, vị thế cho ngành KTTV Việt Nam, với vai trò là trung tâm dự báo khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới. Có kế hoạch đào tạo, cử chuyên gia, đại diện của Việt Nam tham gia vào các cơ quan, tổ chức, diễn đàn điều hành của Tổ chức Khí tượng thế giới và các tổ chức quốc tế khác về KTTV.

Huyền Dung