Đà Nẵng phê duyệt kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2050

Thứ ba, 3/8/2021 | 09:58 GMT+7
UBND thành phố Đà Nẵng mới đây đã ban hành Quyết định số 2609/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Được biết, trong mùa lũ, hầu hết các sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có xuất hiện lũ vượt mức báo động 2 – 3. Trong mùa khô, mực nước sông xuống thấp, vùng cửa sông bị ảnh hưởng triều mặn khoảng 1 tháng. Những năm gần đây, lũ thường lên nhanh và khó dự tính hơn. Điều này trở thành mối quan tâm lớn của chính quyền và người dân trong đối phó với rủi ro ngập lụt, xâm nhập mặn gia tăng.

Theo đó, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ mục tiêu: phấn đấu đến năm 2050, trên 75% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức nhà nước hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu và các tác động của biến đổi khí hậu; 100% công chức làm công tác quản lý, tham mưu biết cách lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu trong hoạt động quản lý kinh tế, xã hội của cơ quan, địa phương mình công tác.

Các quy hoạch, kế hoạch, phát triển kinh tế, xã hội, phát triển ngành lĩnh vực ở cấp thành phố, cấp quận huyện được lồng ghép, triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Triển khai nhiều biện pháp ứng phó với ngập lụt, mưa bão ở Đà Nẵng

Kế hoạch cũng đưa ra một số giải pháp để kịp thời ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra: quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu tài nguyên nước; áp dụng các công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước; bảo đảm nhu cầu sử dụng nước; chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác hại của cạn kiệt nguồn nước, xâm nhập mặn… do tác động của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu và phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng phòng hộ ven biển để phát huy vai trò “lá chắn tự nhiên”, bảo đảm chống chịu được với thiên tai theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn; tập trung hoàn thành các dự án nâng cấp đê đang thi công, đồng thời ưu tiên nâng cấp tuyến đê dân sinh và xây dựng các khu trú tránh cho tàu thuyền và hậu cần nghề cá.

Triển khai đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng; củng cố và nâng cấp các hồ chứa vừa và nhỏ, bảo đảm an toàn trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, an toàn khu dân cư hạ lưu... Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, khu đô thị, khu dân cư, phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu của quốc gia, khu vực và thành phố. Hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị...

Cải tạo, nâng cấp các trạm khí tượng thủy văn để nhanh chóng cảnh báo, dự báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan; xây dựng các trạm giám sát biến đổi khí hậu tại các khu vực có nguy cơ cao.

Ngoài ra, chú trọng vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức mô hình canh tác phù hợp, ứng dụng công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến theo hướng an toàn thực phẩm, tăng cường hệ thống phòng, chống kiểm soát dịch bệnh phù hợp với đặc điểm sinh thái các khu vực, địa phương nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Cũng như chú trọng nghiên cứu phát triển các vật liệu thân thiên với môi trường, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa và các vật liệu gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là cho cán bộ quản lý trực tiếp làm công tác về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, xây dựng - đô thị và công nghiệp - năng lượng. Xây dựng ý thức thường trực phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai của các cấp, các ngành và mọi người dân, đặc biệt là ở các vùng dễ bị tác động trực tiếp; từng bước hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

Thanh Bảo