Trong nước

Đắk Lắk: Còn nhiều vướng mắc trong quản lý các dự án điện năng lượng mặt trời tại Krông Búk

Thứ năm, 29/10/2020 | 06:00 GMT+7
Thực địa tại một số Dự án điện mặt trời (ĐMT) trên địa bàn các xã Ea Sin, Cư K’Pô, nhóm PV đã nhận thấy nhiều địa điểm lắp đặt các Dự án được công bố trên website của Điện lực Đắk Lắk không có cơ sở vật chất (mái, dàn..)…Thậm chí, có những địa phương, còn chẳng có “tăm hơi” của các dự án ĐMT…

Việc thiếu linh hoạt, kém phối hợp giữa các cơ quan chức năng và Điện lực địa phương đã tạo ra những kẽ hở, gây khó khăn cho công tác quản lý, khai thác tài nguyên tại địa phương…

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành giá điện mặt trời áp mái mới, qua đó khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, nhiều người dân, đơn vị kinh doanh đã nắm bắt xu hướng và ồ ạt làm điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, đã có hiện tượng Dự án lớn bị chia nhỏ công suất lắp đặt xuống dưới 1Mw của một số cá nhân, đơn vị.

Mục đích của việc này là để hưởng được giá mua điện cao hơn giá của các dự án Điện mặt trời mặt đất vì theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, các dự án điện mặt trời nối lưới có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và vận hành thương mại từ 1/7/2019-31/12/2020 thì được áp dụng biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện. Cụ thể, các dự án điện mặt trời nổi được áp dụng mức giá 7,69 cent/kWh, tương đương 1.783 đồng/kWh; điện mặt trời mặt đất 7,09 cent/kWh, tương đương 1.644 đồng/kWh; điện mặt trời mái nhà 8,38 cent/kWh, tương đương 1.943 VNĐ/kWh. Quyết định có hiệu lực thi hành từ 22/5/2020.

Cũng bởi sự phát triển “quá nóng” của loại hình kinh doanh này nên nhiều địa phương tỏ ra lúng túng trong công tác quản lý. Bắt đầu từ giữa tháng 6/2020, riêng trên địa bàn huyện Krông Búk đã xuất hiện rất nhiều dự án Điện mặt trời thuộc địa bàn các xã Pơn Drang, xã Ea Sin, xã Cư Pơng, xã Cư K’pô…

Một dự án điện mặt trời tại huyện Krông Búk

Bà N.T.L (một chủ đầu tư ĐMT) chia sẻ với phóng viên: “Tôi là người địa phương khác đến, có nhu cầu làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh ĐMTMN trên mái trang trại, tôi ra đến UBND xã, huyện để đăng ký biến động đất, thế nhưng phía UBND các cấp nói rằng năm nay huyện đã hết chỉ tiêu…không cho chuyển đổi. Trong khi đó, có một số đơn vị khác có chủ đầu tư là người địa phương đã tiến hành xây dựng hệ thống ĐMT ồ ạt, điều này là hết sức vô lý, có phải chính quyền đang “ưu ái” cho các đơn vị kinh doanh địa phương?”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phan Hoàng Lâm - Phó chủ tịch huyện Krông Búk cho biết: “UBND huyện Krông Búk khẳng định không hề có ưu ái cho bất cứ đơn vị nào, tất cả phải dựa trên Pháp luật… lý do của việc không cho chuyển đổi là dựa trên nội dung hướng dẫn của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Lắk…”

Theo đó, Văn phòng Đăng ký đất đai nhận được báo cáo số 75/BC-CNKBU ngày 04/9/2020 của chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đắt đai huyện Krông Búk về việc đăng ký biến động từ đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác sang đất nông nghiệp khác trên địa bàn Krông Búk.

Sau khi xem xét nội dung, Sở Tài nguyên & Môi trường có công văn số 2526/STNMT-CCQLĐĐ ngày 16/10/2019 của về việc đăng ký biến động trong trường hợp chuyển mục đích không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Trường hợp mục đích sử dụng đất sau khi đăng ký biến động mà luật đất đai quy định chế độ sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì khi thực hiện việc đăng ký biến động phải căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với trường hợp sử dụng đất nông nghiệp khác, đây là chỉ tiêu sử dụng đất mà quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định do vậy cần phối hợp với UBND xã trên địa bàn huyện rà soát chỉ tiêu đất nông nghiệp khác còn lại để xem xét xử lý theo quy định.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định 1663/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 thì quy hoạch đất nông nghiệp khác của huyện là 281,20 ha (được chuyển từ đất trồng cây lâu năm 277,70 ha; đất rừng sản xuất 3,5 ha) và được phân bổ hết diện tích để thực hiện các dự án: trạm thực nghiệm khoa học và công nghệ tại xã Cư Né, dự án nông nghiệp công nghệ cao xã Cư Né, xã Chư K’pô. Đồng thời theo quyết định số 540/QĐ-UBND ngày 16/3/2020 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Krông Búk không có chỉ tiêu đất nông nghiệp khác.

Ông Lâm cũng cho biết thêm, trong quá trình quản lý công tác đất đai trên địa bàn huyện, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phát hiện công trình xây dựng trái phép, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định pháp luật trên địa bàn xã Cư Pơng.

Ngày 25/8/2020, UBND huyện Krông Búk đã quyết định xử phạt cảnh cáo trường hợp ở xã Cư Pơng là 15 triệu đồng về hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được chính quyền cho phép.

Ngày 05/10/2020, phía UBND huyện Krông Búk đã trình lên Sở Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung các công trình dự án vào điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Krông Búk.

Trong văn bản trình, UBND huyện Krông Búk cũng đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cho phép cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, các vị trí hộ gia đình cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất từ đất cây lâu năm, cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Krông Búk với diện tích 288,310 m2.

Trong một diễn biến khác, khi đi tìm hiểu thực địa tại một số Dự án điện mặt trời trên địa bàn các xã Ea Sin, Cư K’Pô, nhóm PV đã nhận thấy nhiều địa điểm lắp đặt của các Dự án được công bố trên website của Điện lực Đắk Lắk không có cơ sở vật chất (mái, dàn..)… Thậm chí, có những địa phương, còn chẳng có “tăm hơi” của các dự án ĐMT…

Thợ điện thực hiện công tác lắp đặt

Vậy tại sao các đơn vị này vẫn có được thỏa thuận đấu nối…vì theo quy định thì các cá nhân đơn vị phải có cơ sở vật chất ban đầu, được thẩm tra thì mới được ký thỏa thuận. Vậy, có hay không việc Công ty Điện lực Đắk Lắk ký thỏa thuận …trên giấy với các đơn vị này?

Để trả lời cho câu hỏi đó, nhóm PV đã đặt lịch làm việc với công ty Điện lực Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng Phòng thanh tra Bảo vệ và Pháp chế đã đưa ra yêu cầu phía cơ quan báo chí phải liên hệ với chủ đầu tư, chủ đầu tư đồng ý thì Điện lực mới cung cấp địa chỉ lắp đặt!? ông Vinh nói nguyên văn: “về cái gì liên quan đến kết quả sản xuất, đầu tư trên này thì anh cung cấp, riêng về liên quan đến khách hàng đối tác tụi em gặp được họ trên đó đề nghị cho phép công ty cung cấp toàn bộ nội dung của họ thì bên anh sẵn sàng cung cấp hết... Đôi lúc có những cái trong phạm vi khách hàng đối tác, chưa được sự cho phép của cấp trên thì không thể cung cấp thông tin được”.

Như vậy, danh sách các đơn vị, cột địa điểm lắp đặt mà Công ty công bố trên website là để “lòe” thiên hạ? qua mặt các cơ quan quản lý cấp trên?

Một vị lãnh đạo địa phương khi trả lời phỏng vấn đã nói: “bên Điện lực họ tự thỏa thuận với dân, có thông qua chính quyền địa phương đâu mà chúng tôi nắm bắt được, các vấn đề là người dân họ cũng chỉ quan trọng việc có được đấu nối và vận hành để thu lời hay không nên cái đấy các anh phải sang làm việc với Điện lực…”

Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc…

 

Thu Hà, Linh Huệ