Kinh tế xanh

Đào tạo nghề khối ngành Công Thương luôn gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Thứ năm, 6/4/2017 | 14:11 GMT+7
Năm học 2015 - 2016, nhiều trường thuộc Bộ Công Thương đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế, để nắm bắt nhu cầu số lượng, chất lượng nhân lực theo các bậc trình độ và có kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội.

Các trường phải đào tạo gắn với DN

Nhà trường gắn kết với doanh nghiệp

Trên thực tế, gắn kết giữa trường đại học (ÐH) và DN là định hướng tích cực, đem lại lợi ích cho cả hai bên và xã hội. Đơn cử như tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, các chương trình đào tạo của trường luôn gắn với DN. Với chiến lược đào tạo này, sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội được đánh giá cao về kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc theo nhóm, kiến thức toàn diện. Đặc biệt, tỷ lệ sinh viên nhà trường tốt nghiệp có việc làm thuộc top cao của cả nước.

Khẳng định hiệu quả từ việc thực hiện gắn kết giữa nhà trường và DN để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - chia sẻ: Hiện, nhà trường có nhiều mối quan hệ với các DN, trong quá trình học tập, sinh viên có quyền lựa chọn DN để tìm việc làm. “Hàng năm, có hơn 10.000 sinh viên của trường tốt nghiệp, riêng khối sinh viên học nghề 100% có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ra trường. Đây được coi là một trong những chỉ số tốt và quan trọng đối với các trường ĐH nói chung” - ông Quý nhấn mạnh.

Một điểm sáng trong khối trường của Bộ Công Thương có thế mạnh đào tạo gắn với DN phải kể đến ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội (HICT) có lịch sử gần 50 năm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may. Thời gian qua, HICT đã tự chủ hoàn toàn trong chương trình phát triển đào tạo và học liệu, đáp ứng nhu cầu của DN. Năm học 2015 - 2016, HICT đã đào tạo theo đơn đặt hàng với 11 DN và tập đoàn trong nước cho 2.010 học viên về quản lý sản xuất, may mẫu rải chuyền, sản xuất veston. HICT còn phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức luyện thi tay nghề ASEAN cho thí sinh Lào, mở ra cơ hội hợp tác lâu dài trong đào tạo nguồn nhân lực dệt may.

Theo đại diện HICT, việc triển khai đào tạo gắn liền thực tiễn đã giúp trường đẩy mạnh các nguồn thu, hướng tới tự chủ về tài chính. Với tổng ngân sách hoạt động một năm của HICT là từ 110 - 120 tỷ đồng, trong đó, nguồn thu từ đơn đặt hàng của doanh nghiệp là 10 - 15%, chuyển giao công nghệ 5 -7%, sản xuất là 20-25%... Thời gian tới, HICT sẽ mở rộng thị trường tư vấn ứng dụng công nghệ sản xuất tinh gọn LEAN, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và tiết kiệm chi phí mặt bằng, chi phí vốn. HICT cũng phấn đấu mỗi năm chuyển giao cho từ 10 - 15 DN, nâng tỷ lệ cơ cấu nguồn thu từ chuyển giao công nghệ lên 7 - 10% vào năm 2020.

Cần có chính sách ưu đãi cho DN

Trong quá trình gắn đào tạo với nhu cầu thị trường, DN, các trường gặp không ít khó khăn. Theo Vụ Phát triển nguồn nhân lực (Bộ Công Thương), DN Việt Nam phần lớn là DN nhỏ và vừa, chưa có sự đầu tư lâu dài về nhân lực nên việc gắn kết nhà trường và DN gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ từ phía nhà nước còn thiếu.

Mặt khác, chất lượng đào tạo hiện nay của nhiều trường chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng tới năng lực, chất lượng đào tạo; nguyên nhân chính là do việc phát triển quy mô chưa đồng bộ với nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, mối quan hệ giữa nhà trường và DN trong lĩnh vực đào tạo chưa đạt hiệu quả cao, sự tham gia của các DN và tổ chức quốc tế còn rất hạn chế.

Trước thực tế đó, đề xuất từ các trường là cần có khung pháp lý quy định trách nhiệm của DN đối với quá trình đào tạo. Mặt khác, Chính phủ cần những ưu đãi cho DN tích cực phối hợp với các trường trong quá trình đào tạo, ví như ưu đãi về thuế.

Nguồn: Báo Công thương