Quy hoạch, xây dựng

Đầu tư 18.120 tỷ đồng tuyến cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc

Thứ ba, 17/10/2023 | 11:23 GMT+7
Tuyến cao tốc đường bộ Tân Phú-Bảo Lộc dài 66 km, trong đó qua tỉnh Đồng Nai 11 km và qua tỉnh Lâm Đồng 55 km, được đầu tư theo hình thức PPP.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Tờ trình số 8947 đề nghị Bộ Giao thông vận tải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Theo đề xuất của Lâm Đồng, điểm đầu Dự án trùng với điểm cuối tại lý trình của Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20 (thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối qua nút giao với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Hướng tuyến cao tốc cơ bản theo hướng tuyến đã thể hiện trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022, có điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí cho phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định về kỹ thuật.

Cũng tại Quyết định 1386 của Thủ tướng, Dự án được phê duyệt đầu tư theo phương thức đối tác đầu tư (PPP). Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng (vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng; và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động).

Theo quy hoạch, tuyến đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 80 km/h; quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh bề rộng nền đường 22m (4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục). Trong đó phân kỳ như sau: Giai đoạn đầu, đường rộng 17 m, 4 làn ôtô, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí các điểm dừng, dự kiến khai thác năm 2026. Giai đoạn hoàn chỉnh nền đường rộng 22 m, 4 làn ôtô và 2 làn dừng xe khẩn cấp.

Cao tốc đường bộ sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên 

Trên tuyến đường cao tốc còn xây dựng các công trình phục vụ khai thác, trung tâm điều hành, hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm kiểm tra kỹ thuật dừng nghỉ … nhằm đảm bảo đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Tổng mức đầu tư Dự án trong giai đoạn đầu là 18.120 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 2.821 tỷ đồng; xây dựng, thiết bị 10.999 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 2.452 tỷ đồng, lãi vay trong thời gian thi công là 1.016 tỷ đồng…

Đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc vừa kết nối với cao dốc Dầu Giây - Tân Phú vừa kết nối cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương đang được chuẩn bị đầu tư, sẽ có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 200 km. Trục giao thông cao tốc Dầu Giây-Tân Phú-bảo Lộc-Liên Khương-Đà Lạt này sẽ phát huy tính kết nối hệ thống giao thông các trục trong khu vực Đông Nam Bộ-Duyên hải miền Trung-Tây Nguyên. Đặc biệt sẽ rút ngắn thời gian từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cảng hàng không Liên Khương cách Đà Lạt 30 km đang hoàn thiện thủ tục và nâng cấp lên cảng hàng không quốc tế 

Dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc là chiến lược từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20 đang quá tải, đặc biệt là các điểm đen tai nạn tại khu vực đèo Bảo Lộc. Tuyến giao thông cao tốc còn góp phần cải thiện năng lực vận chuyển hàng hóa, thông thương, đối ngoại, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của con người…

Cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương sau khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng quá trình thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 06/10/2022  “về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 1945”.  Tuyến cao tốc đường bộ đồng thời góp phần quan trọng nhằm mở rộng không gian, xây dựng phát triển đô thị Đà Lạt hiện đại.

Minh Đạo
: caotocTPBL