Độ axit trong nước tại các đại dương đang dần gia tăng

Thứ sáu, 26/8/2022 | 08:45 GMT+7
Ngày 25/8, Cơ quan thống kê New Zealand cho biết, độ axit tăng, nồng độ pH của mặt nước biển giảm do hấp thụ khí CO2 trong môi trường.

Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng, độ axit của nước biển tại các vùng biển gần Nam Cực tăng 8,6%, tương ứng với độ pH giảm xuống còn 8,057, trong thời gian từ năm 1998 - 2020. Do thang đo pH là logarit nên những thay đổi nhỏ về độ pH đã thể hiện sự thay đổi lớn về tính axit.

Theo Cơ quan thống kê New Zealand, độ pH của đại dương thay đổi chủ yếu do nước biển hấp thụ khí CO2 trong khí quyển. Các đại dương là một bể chứa CO2 lớn và có thể đã hấp thụ 20 - 30% lượng CO2 do các hoạt động của con người gây ra trong 2 thập kỷ qua. Việc hấp thụ khí CO2 giúp giảm mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển.

Tuy nhiên, khi nước biển hấp thụ CO2 từ khí quyển, các phản ứng hóa học tạo ra những ion hydro làm tăng tính axit của nước biển và giảm độ pH. Quá trình axit hóa đại dương xảy ra khi độ pH của các đại dương và vùng nước ven biển giảm trong một thời gian dài.

Axit hóa đại dương đang dần gia tăng

Axit hóa đại dương là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hệ sinh thái biển. Hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại, sinh sản và phát triển của các loài sinh vật biển. Trong đó, axit hóa đại dương sẽ phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên, gây tác hại trên diện rộng đối với các hệ sinh thái ở các vùng ven biển và đại dương. Dù một số loài không chịu tác động trực tiếp từ axit hóa đại dương nhưng cũng sẽ không thể tránh được tác động gián tiếp từ những xáo trộn trong chuỗi thức ăn hay thay đổi môi trường sống.

Ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp của Ủy ban châu Âu cho biết, axit hóa là một sức ép môi trường nghiêm trọng với các đại dương và tác động tới hệ sinh thái biển, vì vậy các Chính phủ cần nỗ lực để bảo vệ môi trường biển.

Giảm thiểu và giải quyết các tác động của axit hóa đại dương cũng là một trong những mục tiêu của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững tới năm 2030, qua đó bảo tồn và khai thác một cách bền vững các đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển (ODD14).

Các nhà khoa học cho rằng, công tác bảo vệ đại dương cần triển khai đồng bộ trên diện rộng ở nhiều khía cạnh, quan trọng nhất là giải pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu chỉ thực hiện một vài lĩnh vực đơn lẻ, tốc độ axit hóa đại dương sẽ rất khó có thể ngăn chặn.

Huyền Dung (T/H)