Năng lượng mặt trời

Đoàn kết các thành viên trong Hiệp hội để cùng nhau phát triển

Thứ năm, 4/2/2021 | 14:54 GMT+7
Tại Việt Nam, Chính phủ luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời… Đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam không thể không kể đến Tập đoàn Pacifico Energy Việt Nam (PE Vietnam Holdings LLC).

Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, PV tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam có buổi trao đổi với TS. Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Pacifico Energy Việt Nam về hoạt động, định hướng phát triển của Văn phòng đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch tại TPHCM và Pacifico Energy Việt Nam trong thời gian tới đây.

Xin ông giới thiệu tổng quát về Tập đoàn Pacifico Energy Việt Nam và việc phát triển những dự án năng lượng tái tạo của Tập đoàn tại Việt Nam?

Tập đoàn Pacifico Energy (gọi tắt là PE Holdings LLC) là tập đoàn quốc tế hàng đầu chuyên phát triển và xây dựng các nhà máy điện năng lượng tái tạo được thành lập từ năm 2012 tại California, Hoa Kỳ. Từ năm 2012 đến nay, Pacifico Energy đã đầu tư hơn 1GW công suất điện mặt trời và điện gió chỉ tính riêng cho thị trường châu Á với vốn đầu tư ước tính khoảng 3,5 tỷ USD, tập trung hầu hết ở Nhật, Mỹ, Việt Nam, Hàn Quốc. 

Tại Việt Nam, PE Vietnam Holdings LLC được thành lập vào ngày 26/07/2017, văn phòng đại diện tại thành phố Wilmington, bang Delaware, Hoa Kỳ. Công ty CP Pacifico Energy Việt Nam (trước đây là Công ty TNHH MTV Pacifico Energy Việt Nam) được thành lập ngày 19/10/2017 với vốn điều lệ là 261.464.000.000 đồng; ban đầu là công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài từ công ty PE Vietnam Holdings LLC. Từ tháng 12/2018, công ty có hai cổ đông chính là: Công ty PE Vietnam Holdings LLC và Quỹ đầu tư của Anh quốc Dragon Capital. Trụ sở chính được đặt tại TPHCM.

TS. Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Pacifico Energy Việt Nam

Hiện tại, PE Vietnam Holdings LLC Việt Nam đã thành lập được 5 công ty trực thuộc, đồng thời xây dựng được một nhà máy điện mặt trời công suất 40MW tại Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm phát được 70 triệu kW điện sạch. Tập đoàn đang phát triển đầu tư vào dự án tiếp theo ở xã Hùng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận nhằm mở rộng nhà máy tại Mũi Né. Bên cạnh đó, Tập đoàn tập trung phát triển dự án điện gió Sunpro áp dụng công nghệ châu Âu với công suất 30MW được triển khai tại Bình Đại, tỉnh Bến Tre... 

Các thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong quá trình Tập đoàn Pacifico Energy Việt Nam triển khai những dự án năng lượng tái tạo là gì, thưa ông?

Đầu tiên phải kể tới khí hậu, thời tiết nhiệt đới của Việt Nam vô cùng thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo khi gió nhiều, tổng số giờ nắng, nền nhiệt tương đối cao…

Cụ thể, bình quân nắng trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ; nhiệt độ bình quân năm trên 21 độ C; hơn 8% diện tích có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây)... 

Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh việc phát triển một cách hài hòa các nguồn năng lượng quốc gia, đặc biệt ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch đã tạo động lực quan trọng cho việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong tương lai. Ngày 10/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Ngày 5/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Mới đây, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng tiếp theo Quyết định 11. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành những ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất hay khoản vay tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo phù hợp.

Về phía Tập đoàn, chúng tôi là một trong những doanh nghiệp tiên phong, với công nghệ hiện đại nên đã đáp ứng được mọi tiêu chuẩn khắt khe của Việt Nam cũng như của thế giới trong việc xây dựng và phát triển các dự án năng lượng tái tạo. 

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, cũng có những khó khăn đang ảnh hưởng đến Tập đoàn nói riêng và ngành năng lượng tái tạo nói chung, đa phần tập trung ở các chính sách như: về mặt thời gian chưa thật sự dài hạn, nhất quán. Việc đền bù, giải toả đất đai cho các dự án cũng gặp những vấn đề bất cập. Vốn đầu tư ban đầu chưa được hỗ trợ hiệu quả. 

Xin ông cho biết những đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn Pacifico Energy Việt Nam về các giải pháp tháo gỡ khó khăn để Tập đoàn nói riêng và ngành năng lượng tái tạo Việt Nam nói chung phát triển?

Các doanh nghiệp trong ngành năng lượng tái tạo mong Chính phủ sớm phê duyệt và ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021 - 2030 (Quy hoạch điện 8), ban hành các quyết định gia hạn giá mua cố định cho điện gió (giá FIT) trong dài hạn vì đại dịch Covid-19 vừa qua tác động lớn đến hạn chót vận hành thương mại điện gió là tháng 10/2021.

Ngoài ra, cũng rất mong Chính phủ sớm phê duyệt các phương án đấu thầu công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực thật sự, có mặt bằng sạch để triển khai dự án điện mặt trời, điện gió, giúp tránh tình trạng các nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án thật sự thì lại không được đầu tư trong khi nhiều dự án khác được phê duyệt rồi mà không thể triển khai, gây lãng phí cơ hội. 

Quan trọng nhất, mong Nhà nước đẩy mạnh tiến độ xây dựng các dự án truyền tải điện và mở cơ chế xã hội hóa mạng truyền tải, để các dự án có thể phát điện kịp thời và hiệu quả.

Pacifico Energy Việt Nam là đơn vị phát triển Nhà máy điện mặt trời Mũi Né

Ngân hàng Nhà nước cũng cần có định hướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo được vay vốn ưu đãi, điều chỉnh giảm lãi suất và ưu tiên nguồn vốn dành riêng cho đầu tư năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời để nhà đầu tư thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.

Xin ông chia sẻ về những mục tiêu, kế hoạch của Tập đoàn Pacifico Energy Việt Nam trong thời gian tới cùng các giải pháp thực hiện?

Như đã nêu ở trên, Pacifico Energy Việt Nam đã, đang phát triển hàng loạt dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Qua thực tiễn 27 năm kinh nghiệm trong ngành năng lượng, tôi thấy được tiềm năng to lớn để phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi đặt ra mục tiêu “Coi trọng thị trường Việt Nam”. Với nền tảng cùng nguồn lực sẵn có, chúng tôi đặt mục tiêu kế hoạch trong vòng 5 năm sắp tới sẽ phát triển được 500MW điện mặt trời và 500MW điện gió (tổng 1GW điện) tại Việt Nam. 

Với những thành tựu đó, năm 2020, Nhà máy điện mặt trời Mũi Né được bình chọn là 1 trong 10 dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam trao tặng. Lợi thế là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Tập đoàn cũng đã nhận được sự ủng hộ về mặt ngoại giao từ các nhà đầu tư, các cơ quan ngoại giao nước ngoài như Đại sứ vương quốc Anh và Bắc Ireland, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM, Lãnh sự danh sự Bồ Đào Nha…

Nhà máy điện mặt trời Mũi Né được chứng nhận là dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu năm 2020

Năm 2020, với vai trò là Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, sau đó là Phó Chủ tịch Hiệp hội, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của Văn phòng trong thời gian qua? Với vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội phụ trách khu vực phía Nam, ông có định hướng gì cho công tác phát triển của Hiệp hội trong năm 2021 và những năm tiếp theo?

Sự ra đời Văn phòng đại diện của Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TPHCM là một sự kiện quan trọng của Hiệp hội và của những nhà đầu tư, nhà kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đang quan tâm đến lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt với sự quy tụ, liên kết, chung tay cùng hoạt động của các tổ chức trong và ngoài nước liên quan tới lĩnh vực năng lượng sạch, nhất là tại TPHCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. 

Các dự án nhà máy điện mặt trời và điện gió hầu hết tập trung vào các tỉnh phía Nam, như Ninh Thuận – Bình Thuận, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và cả một số tỉnh miền Trung. Vì vậy, vai trò kết nối liên kết giữa các doanh nghiệp chuyên gia hoạt động trong ngành năng lượng tái tạo Việt Nam ở khu vực phía Nam, cụ thể là TPHCM là rất quan trọng và cần thiết.

Tôi đã, đang và sẽ cố gắng chung tay cùng đưa ngành năng lượng tái tạo còn non trẻ đoàn kết, động viên để các doanh nghiệp cùng tham gia vào Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam giúp Hiệp hội có tiếng nói chung, gắn kết được với các doanh nghiệp lớn cùng nhau phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Cường - Thu Hà - Thành Vĩnh