Nông nghiệp sạch

Doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển chuỗi nông sản an toàn

Thứ tư, 10/7/2019 | 10:40 GMT+7
Thời gian qua, TPHCM đã đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn không những cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong quá trình quản lý chất lượng sản phẩm.

Xây dựng chuỗi nông sản an toàn

Được biết đến là một trong những trung tâm tiêu thụ thực phẩm lớn của cả nước, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm trung bình năm tại TPHCM rất lớn, trong đó có hơn 1 triệu tấn rau củ quả, 493 ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm, 1 tỷ quả trứng gà, 160 ngàn tấn thủy sản, khoảng 825.000 tấn gạo và nhiều loại thực phẩm khác.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tại TPHCM chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân. Cụ thể, rau củ quả chỉ đáp ứng được 30%; thủy sản và sản phẩm thủy sản: 15 - 20%; động vật sống: 10%... phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập qua nhiều đường khác nhau.

Theo Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN&PTNN TPHCM), với thực trạng sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn của thành phố, vấn để quản lý và giải quyết nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) đang gặp phải nhiều khó khăn. Hiện nay, nông sản thực phẩm phân phối qua siêu thị còn ít, chủ yếu là tiêu thụ qua chợ truyền thống, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ…

Trong khi đó, chất lượng vệ sinh ATTP hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Ngoài ra, chất lượng vệ sinh ATTP cũng làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín gây thiệt hại về kinh tế cho những nhà sản xuất chân chính.

Theo ông Bùi Xuân Quỳnh, Phó Giám đốc HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi), để cung cấp nông sản sạch an toàn cho người tiêu dùng, ông Quỳnh mong muốn các ban ngành có hình thức tuyên truyền sâu rộng đến người tiêu dùng trên các quận huyện của thành phố hiểu rõ cách thức sản xuất và tiêu thụ rau VietGAP và sản phẩm đạt chuỗi an toàn để người dân thành phố sản xuất ổn định, tạo thành chuỗi giá trị liên kết bền vững.

Vì vậy, để phát triển nông sản Việt sạch, ông Quỳnh cho rằng, trước tiên cần hướng tới văn minh tiêu dùng trong thực phẩm, xã hội ngày càng đòi hỏi thực phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, minh bạch ATTP, đòi hỏi về đổi mới phương thức cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng và yêu cầu xuyên suốt của bất cứ một sản phẩm nào, đó là chất lượng sản phẩm nông sản sạch được nâng cao hơn.

Đại diện Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) cho biết, hiện nay, vấn đề thực phẩm sử dụng hóa chất được bày bán tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và đang là mối quan tâm hàng đầu của xã hội.

“Với mong muốn đem đến người tiêu dùng những thực phẩm an toàn chất lượng, công ty đã và đang phát triển mạnh loại hình nông trại sạch, phát triển các trang trại vệ tinh để cung cấp đến khách hàng các loại thực phẩm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe”, đại diện Công ty Sagrifood cho biết.

Phân phối sản phẩm sạch còn khó

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp nông sản trên địa bàn TPHCM, hiện nay, do quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm từ người nông dân khi đến doanh nghiệp chưa đồng đều, nhiều nơi sản xuất với mô hình nhỏ lẻ, điều này khiến doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo và phân phối sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến hàng nông sản Việt sạch khó đến tay người tiêu dùng là do chưa có chuỗi liên kết trong khâu phân phối cũng như quy trình sản xuất. Để khắc phục điều này, hàng nông sản Việt cần có chuỗi liên kết để tạo thuận lợi cho hàng hóa sạch có điều kiện đến tay người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm - Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, để phát triển nông sản Việt sạch, trước tiên cần hướng tới văn minh tiêu dùng trong thực phẩm, xã hội ngày càng đòi hỏi thực phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, minh bạch ATTP, đòi hỏi về đổi mới phương thức cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng và yêu cầu xuyên suốt của bất cứ một sản phẩm nào, đó là chất lượng sản phẩm nông sản sạch được nâng cao hơn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T, để giải quyết khó khăn khâu sản xuất nhỏ lẻ, các đơn vị, doanh nghiệp cần xây dựng các HTX nhằm liên kết nông dân với nhau cũng như liên kết giữa nông dân với các nhà doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông sản thô, chưa qua chế biến, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung nghiên cứu nhu cầu của thị trường nhập khẩu để hướng dẫn, phối hợp với người nông dân tạo sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn.

Theo doanhnghiepvn.vn