Tiết kiệm điện năng

Dự án thu hồi CO2 từ Permeate gas và Flash gas làm lợi hơn 50 tỷ đồng/năm

Thứ sáu, 12/6/2020 | 16:02 GMT+7
Vừa qua, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV), Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với đại diện Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) về việc đánh giá dự án thu hồi CO2 từ Permeate gas và Flash gas.

Tại buổi làm việc, đại diện dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (Vietnam Energy Efficiency for Industrial Enterprises Project - VEEIE) đã giới thiệu về dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam với sự tài trợ vốn ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng vốn tài trợ cho dự án khoảng 158 triệu USD, thời gian thực hiện dự án: 2018 – 2022. VEEIE là ban điều phối để xem xét thẩm duyệt dự án đề xuất, bao gồm đại diện các đơn vị: WB, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và ngân hàng thương mại được chỉ định cấp vốn.

Đây là chương trình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua huy động tài chính thương mại, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ thực hiện triển khai các nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính (GHG), ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện PVCFC đã giới thiệu tổng quan về công ty và thông tin cơ bản về dự án thu hồi CO2 từ Permeate gas và Flash gas. Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn về mặt tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải môi trường. Cụ thể, sau khi dự án đưa vào hoạt động, có thể giúp tiết kiệm năng lượng hơn 600.000 GJ/năm và thu hồi hơn 40.000 tấn CO2 /năm để phục vụ sản xuất Urea, qua đó giúp giảm tổng phát thải GHG khoảng 80.000 tấn CO2 /năm.

Đoàn công tác Vụ TKNL&PTBV, Bộ Công Thương làm việc với đại diện PVCFC về việc đánh giá dự án thu hồi CO2 từ Permeate gas và Flash gas

Từ đầu năm 2019, Nhà máy Đạm Cà Mau phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về việc hạn chế nguồn cung cấp khí nguyên liệu cho sản xuất phân đạm.Theo đó, công suất vận chuyển của hệ thống đường ống PM3 hiện hữu không đáp ứng được nhu cầu, trữ lượng khí khai thác tại mỏ PM3 CAA ngày càng suy giảm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của nhà máy.

Trong quá trình tìm hiểu và đánh giá tác động của việc đưa Nhà máy xử lý khí Cà Mau đi vào hoạt động, đội ngũ kỹ sư Đạm Cà Mau nhận thấy, theo thiết kế, trong quá trình hoạt động bình thường, nhà máy đã xả một lượng khí có tên là Permeate Gas với lưu lượng dao động từ 84.000 Sm3/ngày. Bên cạnh đó, do thiết kế ban đầu nên nhà máy vẫn còn xả bỏ lượng khí Flash gas giàu CO2 với lưu lượng khoảng 45.000Sm3/ngày. Đây là 2 nguồn khí giàu CO2 và nhiệt trị cao có thể  tận dụng làm nhiên liệu.

Sau khi xác định được thông số kỹ thuật của dòng Permeate gas và Flash gas, Đạm Cà Mau đã phối hợp với nhà bản quyền công nghệ - BASF để đánh giá khả năng thu hồi và tinh chế 2 nguồn khí này, qua đó giúp thu hồi năng lượng, nâng cao giá trị sử dụng dòng CO2 có trong nguồn khí.

Việc triển khai dự án thành công không chỉ tiết giảm chi phí nhiện liệu, làm lợi cho công ty hơn 50 tỷ đồng/năm mà còn giúp giảm đáng kể lượng CO2 phát thải ra môi trường. Đây là dự án rất phù hợp với mục tiêu của chương trình VEEIE.

Cũng thông qua buổi làm việc, lãnh đạo PVCFC mong muốn Vụ TKNL&PTBV cùng dự án VEEIE xem xét hỗ trợ dự án trong thời gian tới. Phó Tổng giám đốc PVCFC Phạm Văn Bắc chia sẻ, việc dự án được VEEIE hỗ trợ không chỉ giúp phát triển dự án mà còn thông qua việc này đưa thương hiệu PVCFC, đơn vị dẫn dầu trong việc tiết kiệm năng lượng, quảng bá rộng rãi trong thị trường trong nước và thế giới.

Lãnh đạo Vụ TNKL&PTBV và WB đều đánh giá cao hiệu quả của dự án thu hồi CO2 từ Permeate gas và Flash gas. Đây là dự án rất phù hợp với các tiêu chí hỗ trợ của VEEIE cũng như đáp ứng đủ các tiêu chí khác. Đại diện VEEIE trong thời gian tới sẽ trực tiếp xuống Nhà máy Đạm Cà Mau để có các đánh giá hiệu quả, trực tiếp hơn về dự án của PVCFC cũng như xem xét thêm nhiều dự án hiệu quả khác của PVCFC trong việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm phát thải CO2 ra môi trường. 

Tùng Lâm