Trong nước

EVFTA được phê chuẩn, dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020

Thứ năm, 13/2/2020 | 11:36 GMT+7
Ngày 12/2, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được thông qua, đây sẽ là cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị kinh tế giữa lúc đại dịch viêm đường hô hấp cấp đang lan rộng.

Tại phiên họp toàn thể chiều 12/2 ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Hãng tin Reuters cho rằng phía Liên minh châu Âu (EU) kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm 15 tỉ euro (16,4 tỉ USD), trong khi xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng thêm 8,3 tỉ euro vào năm 2035.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, Việt Nam hiện có nhiều ngành hàng có thị phần tốt tại EU như cà phê, thủy sản, dệt may, da giày... với tiềm năng lớn, nhưng hiện chỉ có trên 40% sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan GSP. Do vậy, Hiệp định được phê chuẩn có ý nghĩa đặc biệt, bởi EU là một thị trường tiềm năng lớn, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng, bù lại phần thiếu hụt do tác động tiêu cực từ dịch do virus corona gây ra.

EVFTA được phê duyệt giúp mở ra một giai đoạn mới cho phát triển kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Hiệp định được phê chuẩn sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận, trao đổi công nghệ nguồn và chuỗi cung ứng với các đối tác nước ngoài. Điều đó có nghĩa là mỗi bên sẽ sản xuất và bán hàng hóa mà bên kia không sản xuất tại thị trường nội địa của mình. Ví dụ, hàng hóa phổ biến nhất ở EU được bán tại Việt Nam bao gồm ôtô, máy bay và dược phẩm. Trong khi đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU bao gồm giày dép, hàng dệt may, da giày, cà phê và hải sản.

Mặt khác, EU dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Tương tự, Việt Nam xóa bỏ 48,5% tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ). Đặc biệt, phía EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế nhập khẩu vào EU sau 7 năm, trong khi Việt Nam cam kết xóa bỏ 98,3% số dòng thuế nhập khẩu vào Việt Nam sau 10 năm kể từ ngày hiệp định bắt đầu có hiệu lực.

Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, các nhà xuất khẩu bảo đảm hàng hóa phải đáp ứng đủ và đúng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Bộ Công thương sẽ báo cáo với Chính phủ hoàn thiện bộ hồ sơ trình lên Chủ tịch nước trước khi trình lên Quốc hội để phê duyệt vào tháng 5 tới. Dự kiến khi được phê duyệt, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020. 
 

Thanh Tâm (t/h)