Hợp tác quản lý và phát triển rừng bền vững với Hàn Quốc

Thứ năm, 22/6/2023 | 17:49 GMT+7
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS) Nam Sung Hyun về quan hệ hợp tác lâm nghiệp bền vững.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao những thành quả hợp tác giữa hai nước, nhất là các chương trình tài trợ của Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, Bộ trưởng cảm ơn ông Nam Sung Hyun và Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc vì những hỗ trợ tích cực trong thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực lâm nghiệp giữa hai nước; cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ và hợp tác với Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có dự án "Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng" đang được KFS phối hợp triển khai tại Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, Việt Nam có trên 14,7 triệu ha rừng với độ che phủ hơn 42%, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững và đảm bảo an ninh môi trường. Do đó, các vấn đề về rừng, biến đổi khí hậu, tình trạng suy thoái rừng và thúc đẩy các giải pháp phát triển bền vững... luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm. Dịp này, lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng hai bên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp thông qua các dự án, chương trình hợp tác.

Việt Nam hiện đang xây dựng đề án “Phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng” với tư duy rộng hơn của nền sinh thái đa giá trị. Trong khi đó, Hàn Quốc là đất nước đi vào công nghiệp hóa sớm và có nhiều bước tiến trong khoa học công nghệ quản lý, phát triển rừng. Vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự hỗ trợ và đồng hành của phía Hàn Quốc thông qua chương trình hợp tác sắp tới để đưa đề án vào triển khai thực hiện.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc và đoàn công tác

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin thêm, Việt Nam đang triển khai việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng phát triển ngành lâm nghiệp đa dụng, trong đó chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị của rừng trồng, đặc biệt tập trung trồng rừng gỗ lớn và tăng cường giá trị phúc lợi của rừng cho người dân, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế liên quan đến rừng.

Hàn Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh công nghệ trong việc phát huy vai trò của rừng, do vậy mong rằng sẽ nhận được hỗ trợ từ Hàn Quốc để Việt Nam sớm xây dựng sinh kế rừng bền vững gắn với cảnh quan và du lịch bản địa, đặc biệt cho vùng miền núi phía Bắc; tạo giá trị của hệ sinh thái rừng cho phúc lợi công cộng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ trồng và phục hồi rừng ngập mặn ở một số địa phương còn quỹ đất; chuyển đổi hệ thống canh tác thủy sản truyền thống sang canh tác bền vững dưới tán rừng ngập mặn; thí điểm cấp tín chỉ carbon rừng ngập mặn; chuyển đổi hệ thống canh tác thủy sản bền vững dưới tán rừng.

Đề nghị KFS hỗ trợ xây dựng bản đồ số về sử dụng đất phục vụ cho việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; xúc tiến hợp tác xây dựng và vận hành các vườn ươm công nghệ cao cho cây rừng, cây thuốc và các loài thực vật quý, hiếm theo tiêu chuẩn Hàn Quốc...

Ghi nhận những chia sẻ và đề xuất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam, Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc Nam Sung Hyun cho biết, Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc đã có phong trào vận động xanh hóa môi trường, trồng nhiều cây, tạo thảm thực vật phong phú cho các nước. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, đất bị xói mòn, đây là một phong trào lớn của các quốc gia, trong đó có Hàn Quốc.

Với kinh nghiệm và kiến thức hiện có, phía Hàn Quốc mong muốn chia sẻ với Việt Nam trong các dự án, chương trình hợp tác sắp tới. Đặc biệt là trong dự án “Phục hồi và quản lý rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng” tại Nam Định và Ninh Bình. Phía Hàn Quốc đánh giá cao sự phối hợp của Việt Nam trong dự án và coi đây là một dự án thành công, điển hình hợp tác giữa hai Bộ.

Bảo An (T/H)