Năng lượng tái tạo

Khánh Hòa: Nhiều đề xuất dự án xử lý rác thải kết hợp sản xuất điện năng

Thứ ba, 8/6/2021 | 14:24 GMT+7
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, có khá nhiều nhà đầu tư xin được thực hiện các dự án nhà máy xử lý rác thải kết hợp đốt rác với việc thu hồi nhiệt để sản xuất điện năng.

Cụ thể, qua xem xét có khoảng 10 hồ sơ đầu tư dự án xử lý rác thải rắn phù hợp. Trong đó, riêng khu vực TP Nha Trang có 7 hồ sơ đề nghị thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải rắn tại thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, phù hợp với quy hoạch.

Các dự án xin đầu tư nhà máy xử lý rác thải đa phần đều kết hợp đốt rác với việc thu hồi nhiệt để sản xuất điện năng. Trong đó, tại TP Nha Trang có những đề xuất dự án với công suất phát điện lên tới 30MW, tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Hay tại Cam Lâm, chủ đầu tư đề xuất xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện với công suất 1.000 tấn/ngày và công suất phát điện đạt 18MW. Dự án này có diện tích khoảng 50ha, vốn đầu tư 2.150 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Để lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án nhà máy xử lý rác thải, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Dự thảo đưa ra 4 nhóm tiêu chí cụ thể gồm: công nghệ; môi trường - xã hội; tài chính và năng lực thực hiện dự án; kinh tế. Đồng thời, bộ tiêu chí cũng quy định thời gian thực hiện dự án không quá 12 tháng.

Về tiêu chí công nghệ, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các nhà máy phải có công nghệ được khuyến khích áp dụng tại Việt Nam theo quy định hiện hành; có phương án kết hợp các công nghệ cùng xử lý ủ, đốt, thu hồi nhiệt để phát điện. Dự án đầu tư phải có công nghệ sơ chế rác thải trước khi xử lý, có thu hồi các thành phần từ rác thải rắn trước và sau xử lý để tái sử dụng hoặc tạo ra các sản phẩm có ích. Đặc biệt, UBND tỉnh Khánh Hòa ưu tiên các nhà máy có thể xử lý được rác thải mà không cần phân loại, không phát sinh các nguồn thải trong quá trình xử lý và xử lý được mùi trong quá trình vận hành.

Bên cạnh đảm bảo quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường hiện hành, bộ tiêu chí còn có những tiêu chí nâng cao. Đó là sẽ ưu tiên nhà đầu tư cam kết và xây dựng chính sách hỗ trợ về phúc lợi xã hội tại nơi có dự án; có phương án đào tạo nhân lực cho địa phương để sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ trong quá trình hoạt động.

Đối với tiêu chí tài chính và năng lực thực hiện dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chủ sở hữu phải có vốn trên tổng mức đầu tư dự án. Nhà đầu tư phải đảm bảo góp vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng mức đầu tư để thực hiện dự án. Đặc biệt, chủ đầu tư phải có năng lực, kinh nghiệm, đã đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý rác thải; ưu tiên nhà đầu tư có thêm cam kết các chương trình hỗ trợ năng lực quản lý cho tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường. 

Trong tiêu chí về kinh tế, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu giá dịch vụ xử lý rác thải không quá 400.000 đồng/tấn. Nhà đầu tư phải tự bỏ vốn đầu tư xây dựng và bồi thường, giải phóng mặt bằng; có khả năng tiêu thụ tất cả sản phẩm từ hoạt động tái chế rác thải của dự án.

Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhận được góp ý của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với dự thảo Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Sau khi có ý kiến góp ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện bộ tiêu chí và lựa chọn các nhà đầu tư tốt nhất.

Thu Hà