Sức khỏe

Khuyến nghị ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Thứ sáu, 13/10/2023 | 10:51 GMT+7
Ngày 12/10, tại Tọa đàm về tác hại của sản phẩm thuốc là mới đối với thanh thiếu niên, các đại biểu thống nhất đề xuất cần tăng cường quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, hướng đến cấm lưu hành các sản phẩm này tại Việt Nam.

Tọa đàm về tác hại của các sản phẩm thuốc là mới đối với thanh thiếu niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng trên thế giới và Việt Nam. Bằng chứng khoa học cho thấy, các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại do chứa nhiều chất độc hại, nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh ung thư, nhất là ung thư phổi. Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ tiềm ẩn làm phát sinh tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện...

Tăng cường chống buôn lậu, quảng cáo và bán sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá, áp dụng các biện pháp để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, tuy nhiên công tác phòng chống tác hại thuốc lá cho thanh niên ở nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức..

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho biết, qua đánh giá về việc sử dụng thuốc lá mới đối với thanh niên Việt Nam, Ủy ban Xã hội nhận thấy, trong 3 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) về hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội, năm 2020, tỷ lệ học sinh đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp 8 đến 12 là 8,35%; học sinh lớp 10 đến 12 là 12,6%.

Các sản phẩm của thuốc lá điện tử hầu hết được đưa về Việt Nam theo đường xách tay, nhập lậu và chưa có các số liệu thống kê cụ thể về thực trạng sử dụng. Việc mua bán chủ yếu được thực hiện qua mạng internet, các mạng xã hội mua bán của cá nhân, trao đổi, mua bán trên hội nhóm. Ngoài ra, cũng xuất hiện một số địa điểm trưng bày và bán thuốc lá điện tử ở những nơi có nhiều đối tượng sử dụng, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học. 

Đáng lo ngại, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để phối trộn ma túy. Người bán có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào sản phẩm mà khó bị phát hiện.

Theo báo cáo của công an địa phương, trong năm 2022, toàn quốc phát hiện bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng “núp bóng” thực phẩm, đồ ăn, thuốc lá điện tử. Trong đó, tẩm ướp vào thảo mộc, thuốc lá điện tử 32 vụ, vật chứng thu giữ 124,1kg và 40,7 lít dung dịch có chứa chất ma túy loại ADB-BUTINACA dùng tẩm ướp, pha trộn, núp bóng dưới dạng thuốc lá điếu, tinh dầu thuốc lá điện tử.

Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự kiến nghị Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan cần sớm đánh giá tổng kết thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; tiến hành rà soát các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là việc quản lý, sử dụng đối với thuốc lá mới như: nghiên cứu, đánh giá, công bố tác hại của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe; bổ sung quy định về thuốc lá mới trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá theo hướng cấm đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi; tăng cường quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong giới trẻ. Cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới…

Thanh Bảo (T/H)