Sức khỏe

Loại bỏ khẩn cấp chất gây bệnh tim mạch có nhiều trong các món ăn mùa lạnh

Thứ hai, 4/1/2021 | 16:36 GMT+7
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng kêu gọi tất cả các nước loại bỏ chất béo chuyển hóa (transfat) trong nguồn cung cấp thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt trong mùa đông, khi các món chiên, rán “lên ngôi”.

Chất béo chuyển hóa có mặt rộng rãi trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh quy, khoai tây chiên, quẩy nóng, gà rán, thịt rán… Đồng thời, chúng cũng tồn tại trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như phô mai, sữa, thịt bò, thịt cừu và cả trong thực phẩm công nghiệp.

Transfat được hình thành bằng phương pháp hydro hóa dầu ăn, nhằm giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn, bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng hơn.

Chất béo này có hại đáng kể đối với sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ tim mạch, tăng nguy cơ các bệnh béo phì, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, làm phát triển bệnh Alzheimer, gây vô sinh ở nữ giới… Theo một nghiên cứu, đây là nguyên nhân gây ra các bệnh lý không lây nhiễm, trong đó có hơn 500.000 ca tử vong do các bệnh tim mạch.

Một số thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa

Tờ Aboluowang (Trung Quốc) chỉ ra rằng, chất béo chuyển hóa có khả năng chịu nhiệt mạnh và dễ bảo quản. Chúng chủ yếu được sử dụng làm phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều có thể khiến hàm lượng cholesterol trong máu tăng quá cao, làm trầm trọng thêm sự hình thành của cục máu đông và mảng bám xơ vữa động mạch; làm cho máu đặc hơn, cản trở quá trình lưu thông máu; làm cho mạch máu cứng lại và đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch; khiến cơ thể béo phì, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

WHO cho biết, một số nước có thu nhập cao đã loại bỏ hầu hết các chất béo chuyển hóa trong sản xuất công nghiệp, thông qua các giới hạn được áp đặt về mặt pháp lý đối với hàm lượng chất béo chuyển hóa có thể có trong thực phẩm đóng gói. Đây cũng là mục tiêu cho những hành động cần thiết đặt ra cho các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi kiểm soát việc sử dụng chất béo chuyển hóa thường yếu hơn, nhằm đảm bảo sức khỏe và các lợi ích thu được của các quốc gia trên toàn thế giới.

Theo đó, WHO đưa ra khuyến cáo, cần thay thế chất béo chuyển hóa bằng các loại chất béo và dầu có lợi cho sức khỏe hơn, như các loại dầu lỏng như dầu ô liu, dầu hạt cải… đặc biệt, cần loại bỏ khẩn cấp loại chất này ra khỏi bữa ăn hàng ngày.

Thanh Tâm (t/h)