Nắng nóng gay gắt đe dọa cuộc sống của 3,5 tỷ người trong tương lai

Thứ ba, 5/5/2020 | 15:33 GMT+7
Theo tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, nếu phát thải khí nhà kính không giảm xuống thì một số khu vực trên thế giới sẽ có nền nhiệt độ trung bình tương đương với những nơi nóng nhất của sa mạc Sahara trong vòng 50 năm tới.

Nhiều nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, nếu phát thải tiếp tục tăng thì nhiệt độ mà người bình thường trải qua sẽ tăng 7,5°C vào năm 2070. Con số đó cao hơn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến là hơn 3°C vì đất liền sẽ nóng nhanh hơn nhiều so với đại dương do sự gia tăng dân số vẫn tiếp tục. Việc trái đất nóng lên nhanh chóng như hiện nay sẽ đồng nghĩa với 3,5 tỷ người không thể sống bên trong “vùng thuận lợi” về khí hậu mà họ đã phát triển trong 6.000 năm qua.

Nhiệt độ được dự báo sẽ tăng nhanh do phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người 

Theo đó, khoảng 30% dân số dự kiến sẽ sống ở những nơi có nhiệt độ trung bình trên 29°C trong vòng 50 năm tới, nếu khí thải nhà kính tiếp tục tăng. Những điều kiện khí hậu này hiện chỉ diễn ra ở 0,8% diện tích đất toàn cầu, chủ yếu ở những vùng nóng nhất của sa mạc Sahara. Tuy nhiên, đến năm 2070, điều kiện khí hậu đó có thể lan rộng tới 19% diện tích đất trên hành tinh.

Điều này sẽ khiến 3,5 tỷ người phải đối mặt với điều kiện khí hậu khô nóng, gần như không thể sống nổi, ông Jens-Christian Svenning thuộc Đại học Aarhus (Đan Mạch), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Bản đồ lượng nhiệt trung bình tăng trên 29°C ở nhiều khu vực trên trái đất

Theo số liệu mà nhóm chuyên gia từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc cung cấp, các nước trong khu vực Nam Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á là các quốc gia phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ nóng lên toàn cầu. Đặc biệt, 1238,70 triệu người Ấn Độ sẽ đối mặt với nhiệt độ trung bình trên 29°C trong vòng 50 năm tới, Nigeria là 485,29 triệu người, Pakistan là 185,26 triệu người. Khu vực Đông Nam Á cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng như hiện nay. Trong đó, Indonesia có số lượng dân phải chịu ảnh hưởng cao nhất (145,72 triệu người); Thái Lan là 62,18 triệu người; Việt Nam là 37,59 triệu người.

Các tác giả lưu ý rằng, trong số 3,5 tỷ người tiếp xúc với nhiệt độ cực cao như vậy sẽ có xu hướng di cư, thế nhưng di cư do biến đổi khí hậu vẫn là một thách thức lớn. Do vậy, sự phát triển của con người và khoa học công nghệ cần được thúc đẩy một cách nhanh chóng để ứng phó kịp thời.

Quỳnh Ngọc