Trong nước

Ngành ô tô gặp khó khăn trong quý I/2020

Thứ năm, 9/4/2020 | 16:55 GMT+7
Trong 3 tháng đầu năm 2020, sản lượng ô tô ước tính đạt 56,2 nghìn chiếc, dự báo thị trường năm nay sẽ sụt giảm 15%.

Sức mua giảm, lượng xe tồn kho tăng cao kỷ lục

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường sau hai tháng đầu năm 2020 đạt 33.403 xe, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. VAMA dự đoán tình trạng này sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 3/2020. 

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trong quý I/2020, sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước tính đạt 56,2 ngàn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

VAMA dự báo, lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội

Mặt khác, chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ước tính đạt khoảng 23.000 xe. Điều này ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp khi lượng tiêu thụ giảm trong khi vẫn duy trì lượng nhập khẩu. 

Ồ ạt giảm giá bán, xả hàng

Để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện tại, nhiều nhà sản xuất, đại lý phân phối ô tô liên tục nỗ lực áp dụng chính sách ưu đãi giảm giá để kích cầu.

Từ giữa tháng 2/2020 đến nay, nhiều đại lý đã áp dụng chính sách giảm giá lên đến vài trăm triệu đồng nhằm xả hàng một số mẫu ô tô lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu.

Có thể kể đến như mẫu xe nhập khẩu Ford Explorer vốn được bán với giá khoảng 1,999 tỉ đồng, giảm hơn 260 triệu đồng nhằm thu hút khách mua. Ngay cả “ông lớn” Toyota cũng liên tiếp tung ra các chương trình ưu đãi, hỗ trợ phí trước bạ cho khách mua xe Innova, Fortuner hay Corolla Altis với trị giá từ 45 – 100 triệu đồng. Mẫu Honda CR-V nhập khẩu cũng liên tục được đại lý giảm giá. Đặc biệt, trong những ngày gần đây CR-V được giảm tới 130 triệu đồng tại một số đại lý, khiến giá bán CR-V phiên bản cao cấp nhất còn rẻ hơn cả Mazda CX-5 lắp ráp trong nước. Subaru Forester nhập khẩu từ Thái Lan cũng đang được các đại lý giảm tới 160 triệu đồng…

Lượng ô tô tồn kho gia tăng

Đề xuất giãn thuế, giảm phí "cứu" thị trường ô tô

Có thể thấy, sự sụt giảm tăng trưởng của ngành ô tô chủ yếu do nguyên nhân từ thị trường tiêu thụ trong nước suy giảm. Cuối tháng 3, Bộ Công Thương đã có Công văn số 202/BCT-KH trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

Theo đó, đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, Bộ Công Thương đề xuất cho phép gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế VAT đến hết quý I 2021. Giảm 50%  phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng.

Trong dài hạn, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ô tô sản xuất trong nước nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam.

Kim Bảo (t/h)