Tiết kiệm điện năng

Nghiên cứu sử dụng năng lượng tái tạo trong chiếu sáng công cộng đô thị

Thứ hai, 13/3/2023 | 14:24 GMT+7
Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, thành phố sẽ nghiên cứu và từng bước sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió) trong chiếu sáng công cộng đô thị.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND về nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”; Thông báo số 1544-TB/BCSĐ ngày 5/12/2022 của Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Phạm vi của kế hoạch gồm các hạng mục chiếu sáng công cộng đô thị theo ranh giới hành chính của 12 quận nội thành, 18 huyện, thị xã để đạt được các mục tiêu trong Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, trong đó yêu cầu: “Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp; đẩy nhanh lộ trình thực hiện tự động hóa chiếu sáng theo khung thời gian và điều kiện thời tiết của các công trình chiếu sáng công cộng”.

Căn cứ phạm vi của kế hoạch, UBND thành phố xác định rõ các mục tiêu cụ thể, đó là: bảo đảm chiếu sáng theo quy chuẩn, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm điện; đạt tỷ lệ 100% đường đô thị, tối thiểu 80% ngõ, xóm được chiếu sáng; hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị được đầu tư xây dựng đạt quy chuẩn và an toàn trong vận hành bảo dưỡng.

Đồng thời, nâng cao chất lượng chiếu sáng công cộng đô thị và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện; nghiên cứu và từng bước sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió) trong chiếu sáng công cộng đô thị.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội

Các công trình giao thông được chiếu sáng đầy đủ với các chức năng định vị và dẫn hướng; thiết kế chiếu sáng có tính thẩm mỹ cao; thuận tiện, an toàn trong quá trình sử dụng. Chiếu sáng không gian công cộng đô thị, chiếu sáng trang trí phải bảo đảm các yêu cầu về ánh sáng an toàn, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ an ninh, trật tự.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ mở rộng phạm vi hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị được quản lý, vận hành và điều khiển bằng trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng.

Thực hiện việc hạ ngầm đường dây cấp điện chiếu sáng, bao gồm công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng hiện có tại các tuyến phố, ngầm hóa các đường dây, cáp đi nổi của các đơn vị viễn thông. Nghiên cứu, hiện thực hóa các giải pháp để hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trở thành một bộ phận quan trọng của đô thị thông minh.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị. Trong đó, xây dựng và phê duyệt đồ án Quy hoạch cấp điện và chiếu sáng đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mở rộng phạm vi hoạt động và từng bước nâng cấp Trung tâm Điều khiển chiếu sáng thành phố; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố, cập nhật trên bản đồ GIS.

Thành phố Hà Nội cũng xây dựng mới hệ thống chiếu sáng tại các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chưa có hệ thống chiếu sáng trên địa bàn thành phố, ưu tiên các tuyến đường có mật độ giao thông cao, các tuyến đường có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; khối lượng thực hiện 44 công trình; tổng mức đầu tư dự kiến 300 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong 3 năm 2023 - 2025. 

Lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại các tuyến ngõ, xóm hiện chưa có chiếu sáng tại 12 quận nội thành và các huyện, thị xã (không bao gồm các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì trong lộ trình lên quận); khối lượng thực hiện 350km; tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong 3 năm 2023 - 2025.

Nhã Quyên