Ô nhiễm không khí do phát thải công nghiệp – góc nhìn từ cộng đồng

Thứ sáu, 12/6/2020 | 12:02 GMT+7
Ngày 12/6, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức tọa đàm “Mối quan tâm của cộng đồng về ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải công nghiệp”.

Theo các chuyên gia đánh giá, công nghiệp chính là một trong những ngành đóng góp lớn vào ô nhiễm không khí nhưng chưa được quan tâm đúng mực. PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh tại tọa đàm, ngành công nghiệp nặng ngày càng tăng thì chất lượng không khí ngày càng kém đi. Hiện nay trên thế giới 9/10 người đang hít không khí bẩn. Tỷ lệ người già, trẻ em bị bệnh hen suyễn tăng nhanh, chưa kể ung thư.

Ông chia sẻ, không khí sạch đối với con người hiện còn quý hơn tiền bạc, tiền có thể kiếm sau này nhưng ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người thì không thể cứu vãn được. Con người đã dần có ý thức bảo vệ sức khỏe bằng cách đeo khẩu trang, đóng kín cửa nhà, trồng nhiều cây xanh nhưng không thể tránh được khi cả một vùng đều là không khí dày đặc những hạt bụi nhỏ, bụi mịn mang theo chất độc nguy hại từ các nhà máy công nghiệp. Bụi mịn không bị ngăn cản bởi niêm mạc mũi nên có thể thâm nhập sâu đến phổi, ảnh hưởng dần đến nhiều bộ phận khác.

PGS. TS. Nguyễn Huy Nga chia sẻ tại tọa đàm

Ông Trịnh Văn Sỹ, Hội cựu chiến binh xã Thanh Hải (Hà Nam) cho biết: “Tại xã Thanh Hải có đến 4, 5 nhà máy xi măng. Về buổi chiều, nắng nóng như thế này mà cả khu vực mấy chục cây số, khói bụi mờ như sương, vài ba ngày nếu không quét dọn là bụi đầy mái nhà... Qua báo cáo Đánh giá tác động xã hội môi trường của các xí nghiệp, công ty thì các phương án, phương pháp đều tốt nhưng khi đi vào thực hiện thì được 20 - 30% còn đến 80% là không thực hiện”.

Bên cạnh đó, Trưởng trạm y tế xã Thanh Hải Đinh Hồng Tảo cũng đưa ra những con số giật mình vì số lượng người chết vì ung thư của xã, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về tỷ lệ người chết do ung thư liên quan đến đường hô hấp. Theo đó, tổng số ca tử vong tại địa phương tính từ năm 2015 đến 5 tháng đầu năm 2020 là 297, thì tỷ lệ tử vong do ung thư là 83/297, trong đó ung thư về hô hấp chiếm tỷ lệ 39/83 (gần 50%).

Trước những con số đáng báo động và thực trạng ô nhiễm nặng nề hiện nay, PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội - Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII đưa ra một số giải pháp trong đó nhấn mạnh đến việc phân loại các loại rác thải trong các ngành công nghiệp, đặc biệt quản lý nghiêm chế thải nguy hại trong đó có chất gây ung thư để có chế tài xử phạt, thu phí phù hợp.

Ngọc Huyền