Khoa học công nghệ

Phát triển khoa học và công nghệ: Đầu tư có trọng tâm

Thứ tư, 5/4/2017 | 16:36 GMT+7
Đầu tư phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) đúng hướng là giải pháp mang tính chiến lược giúp doanh nghiệp (DN) phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, đầu tư theo hướng nào để mang lại giá trị bền vững đang là câu hỏi lớn đặt ra cho các DN hiện nay.

Cần đầu tư đúng hướng cho nghiên cứu khoa học

Điều này đã được các nhà khoa học ngành Công Thương minh chứng bằng những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ điển hình như: Chế tạo và hạ thủy thành công giàn khoan dầu khí di động tự nâng 90 m nước; các thiết bị cơ khí thủy công phục vụ các dự án thủy lợi, thủy điện; chế tạo thành công máy biến áp 3 pha 500 kV-3x150 MVA; hệ thống thiết bị nâng hạ; cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò; thiết bị nhà máy khai thác, tuyển quặng bô-xít; hệ thống lọc bụi tĩnh điện…

Theo TS. Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2011-2015, các tổ chức thuộc bộ và các viện đã hoàn thành 12 dự án và đang tiếp tục thực hiện 6 dự án đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực nghiên cứu với tổng kinh phí khoảng 624 tỷ đồng; các viện không thuộc đối tượng được nhà nước đầu tư như Viện Dầu khí, Viện cơ khí năng lượng và mỏ, Viện Công nghệ… đã huy động gần 1.200 tỷ đồng để nâng cao năng lực nghiên cứu. Chính những đóng góp xứng đáng của KH&CN, đã góp phần thực hiện tốt các yêu cầu và mục tiêu phát triển của ngành Công Thương, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển và ổn định kinh tế của đất nước.

Trong chính sách về đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, đầu tư tài chính cho hoạt động nghiên cứu KH&CN trong giai đoạn tới, lãnh đạo Bộ KH&CN cho hay: Cần đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm.

Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư, nâng cao tiềm lực, năng lực nghiên cứu triển khai của các viện, tập đoàn, tổng công ty sản xuất các hàng hóa thuộc lĩnh vực ngành công nghiệp trọng điểm; có chương trình đầu tư một số hệ thống thiết bị phục vụ nghiên cứu quy mô pilot cho một số lĩnh vực quan trọng để phát triển kết quả nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm lên quy mô lớn, quy mô bán công nghiệp, khẳng định công nghệ trước khi phát triển ở quy mô công nghiệp.

Đồng thời, xây dựng, ban hành các chính sách huy động tiềm lực các tập đoàn, tổng công ty đầu tư cho hoạt động KH&CN, đẩy nhanh việc xây dựng và thành lập Quỹ phát triển KH&CN của tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị thành viên theo các quy định hiện hành của nhà nước, nhằm tận dụng các ưu đãi của nhà nước đối với hoạt động KH&CN và phát huy tính năng động, tự chủ của các đơn vị trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng, đổi mới công nghệ nhằm tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, phải xây dựng và hoàn thiện chính sách đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư từ xã hội cho KH&CN. Xây dựng chính sách khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với nhà nước để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ mới, công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp.

Dự kiến, đến năm 2025, Việt Nam xây dựng khoảng 8-10 phòng thí nghiệm chuyên ngành có cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại đạt trình độ khu vực và thế giới thuộc các lĩnh vực: Điện tử, cơ khí, thiết bị điện, dệt may, da giày, công nghệ thực phẩm, hóa dầu, giấy, công nghiệp môi trường…

Nguồn: Báo Công thương