Phối hợp đảm bảo đa dạng sinh học toàn cầu

Chủ nhật, 21/5/2023 | 00:20 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Kạn, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức hội thảo Phối hợp hành động thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal.

Hội thảo được tổ chức nhằm phổ biến các kết quả của Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15), thúc đẩy các hành động triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu và hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) tại Việt Nam.

COP15 được Liên Hợp Quốc tổ chức vào tháng 12/2022 tại thành phố Montreal (Canada) đã thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, đặt ra các mục tiêu và biện pháp để đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong các thập kỷ vừa qua.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, tại Hội nghị COP15, Bộ Tài nguyên và Môi trường đại diện cho Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết đối với quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia, một lần nữa thể hiện rõ trách nhiệm và sự quyết tâm của Chính phủ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi các giá trị tự nhiên.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội thảo Phối hợp hành động thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal

Theo Thứ trưởng, Việt Nam là 1 trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, 1 trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gene quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nhanh về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.

Với vai trò là cơ quan đầu mối đối với Công ước Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định 3220/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời nghiên cứu, cụ thể hóa các hành động thực hiện GBF ở cấp quốc gia.

Các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định bao gồm: xây dựng, hoàn thiện khung chính sách, pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật; tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; điều tra quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế phục vụ quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện các giải pháp và mô hình thí điểm về bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái, loài, nguồn gene và kiểm soát các tác động tới đa dạng sinh học; theo dõi, đánh giá việc tổ chức thực hiện kế hoạch, chiến lược.

Tại hội thảo, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học chia sẻ, Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal đã xác định 23 mục tiêu cần đạt được đến năm 2030, với những chỉ tiêu hết sức tham vọng, đòi hỏi các quốc gia trên thế giới cần có hành động quyết liệt, thậm chí cần có những chuyển đổi căn bản để giảm tác động tới đa dạng sinh học. Bên cạnh những nỗ lực của các quốc gia, việc tạo ra các cơ chế hỗ trợ về nguồn lực cho các nước đang và kém phát triển, bao gồm cả cơ chế tài chính, chuyển giao khoa học công nghệ và tri thức để hỗ trợ các hành động bảo tồn hết sức quan trọng.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đề ra 5 nhóm nhiệm vụ ưu tiên bao gồm: bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái quan trọng; bảo vệ và phục hồi các loài hoang dã; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học; lượng giá, sử dụng bền vững đa dạng sinh học; bảo tồn nguồn gene và chia sẻ lợi ích.

Bà Phạm Minh Thảo, Giám đốc Bảo tồn của WWF Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường sự lãnh đạo của Chính phủ các cấp từ quốc gia tới cấp xã/thôn trong công tác bảo tồn. Qua đó, đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng; xây dựng các mối quan hệ đối tác mang tính đột phá; cần đưa ra khung pháp lý cho các khoản tín dụng carbon nhằm thu hút đầu tư cho việc hấp thụ carbon cho các hệ thống đa dạng sinh học trên cạn, đại dương, đất ngập nước và nước ngọt.

Đại diện WWF cũng khuyến nghị cần tăng cường bảo tồn dựa vào cộng đồng và thực hiện các giải pháp giám sát đánh giá, xây dựng hệ thống dữ liệu. Quy trình phê duyệt dự án cần nhanh và đơn giản hơn để có thể tận dụng tối đa nguồn tài trợ cũng như đẩy nhanh các mối quan hệ đối tác cần thiết.

Đưa ra kết quả nghiên cứu và xây dựng Kế hoạch tài chính đa dạng sinh học, đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã chia sẻ về các giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực tài chính góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Cụ thể là thúc đẩy du lịch bền vững và thu phí tham quan, dịch vụ trong các khu bảo tồn; mở rộng chi trả dịch vụ hệ sinh thái cho các khu bảo tồn biển và đất ngập nước; thúc đẩy hợp tác để tăng nguồn vốn từ ODA, khối tư nhân cho bảo tồn; thúc đẩy cơ chế bù đắp đa dạng sinh học và áp dụng hệ thống kế toán môi trường; sử dụng mã mục lục ngân sách nhà nước cho bao tồn đa dạng sinh học và áp dụng lập ngân sách dựa trên kết quả.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên đã chia sẻ những tồn tại, vướng mắc khó khăn trong thực tiễn công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, quản lý và bảo vệ các vườn quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác, kêu gọi cộng đồng cùng tham gia các hoạt động này.

Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận những kết quả đạt được, cũng như nhấn mạnh, Bộ TN&MT đang hoàn thiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó sẽ nêu rõ cách thức tiến hành thực hiện 23 tiêu chí theo Khung toàn cầu với mục tiêu nâng hiệu quả bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thanh Bảo