Nghiên cứu - Trao đổi

Quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước nhờ quan trắc bằng vệ tinh

Thứ ba, 5/11/2019 | 15:35 GMT+7
Dự án Catch – Mekong thử nghiệm công nghệ tiên tiến nhằm khảo sát và đưa ra hướng giải quyết cho hàng loạt những thách thức về vấn đề nguồn nước ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Khu vực hạ lưu sông Cửu Long dài hơn 4000 km hiện đang phải đối mặt với những thách thức mới ngày càng gia tăng, như: tác động của việc xây đập đến chu kỳ lũ tự nhiên; gia tăng khai thác nước ở vùng thượng lưu; thay đổi phương thức khai thác đất và sử dụng nguồn nước ở khu vực hạ lưu sông. Những biến đổi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tạo thuận lợi cho quá trình xâm nhập mặn vốn khó kiểm soát ở các khu vực ven biển. 

Vào mùa khô, dưới tác động của triều cường, nước biển dần lấn sâu vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch và cả nguồn nước ngầm ở vùng ven biển. Về lâu dài, sự ổn định của khu vực châu thổ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc xây dựng hàng loạt đập nước, nguyên nhân gián tiếp đẩy nhanh quá trình xói lở và sụt lún do lớp trầm tích và phù sa giảm mạnh. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn khi cát tại ĐBSCL được khai thác trên quy mô lớn để phục vụ xây dựng.

Sự giảm sút lượng trầm tích và phù sa kéo dài kết hợp với việc khai thác thiếu bền vững cát và nước ngầm, cùng với hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu, sẽ là thách thức lớn cho vùng châu thổ này. Do đó, cần có những cơ sở dữ liệu cập nhật và phân luồng thông tin một cách kịp thời để đưa ra những biện pháp ứng phó hiệu quả.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Tại Ngày Khoa học Đức mới đây tại Hà Nội, dự án Catch – Mekong được giới thiệu với mục đích giải đáp những thắc mắc chưa được giải quyết, cũng như xác định những vấn đề then chốt ở vùng châu thổ thông qua nghiên cứu đa ngành và ứng dụng công nghệ mới để thăm dò, theo dõi các lưu vực nước.

Trong khuôn khổ dự án, những trạm đo tự động mới, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẽ được thiết kế và lắp đặt tại chỗ nhằm quan trắc và phân tích thường xuyên chất lượng nước mặt và nước ngầm. Cùng với việc áp dụng số liệu về nước ngầm cùng hàm lượng muối trong đó, số liệu về trầm tích và phù sa trên các nhánh sông Cửu Long cũng sẽ được thu thập, tổng hợp.

Bên cạnh những số liệu đo thủy văn, quá trình thu thập dữ liệu sẽ được bổ sung bằng công nghệ quan trắc hiện đại nhất từ hệ thống vệ tinh. Những thay đổi về tài nguyên đất và nước tại ĐBSCL cũng như toàn lưu vực sông đều có thể được quan sát trên diện rộng. Trên cơ sở dữ liệu thu được, các mô hình thủy động học, những vấn đề nan giải về xâm nhập mặt, sạt lở bờ sông, vùng ven biển có thể được giải quyết.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Patrick Leinenkugel, Trung tâm không gian Đức (DLR), dự án hướng đến phát triển một hệ thống thông tin môi trường mở về lưu vực sông Cửu Long gọi là “kho tri thức về sông Cửu Long”. Dự án hứa hẹn sẽ tập hợp những tư liệu và thông tin từ các chương trình hợp tác Việt – Đức trên nhiều lĩnh vực liên quan đến sông Cửu Long trong hơn 10 năm qua và sử dụng kho tri thức này để cải thiện sự hợp tác khu vực trên cơ sở chia sẻ thông tin, dữ liệu để phát triển bền vững thông qua sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước tại ĐBSCL. Những dữ liệu, tri thức về khu vực sẽ hỗ trợ đắc lực trong quá trình kế hoạch hóa các chương trình quốc gia và quốc tế.

Huyền Dung