Sức khỏe

Ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia

Thứ hai, 9/8/2021 | 10:52 GMT+7
Ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia và lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện.

Trung tâm công nghệ đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch. Bao gồm: khai báo y tế, kiểm soát vào ra các địa điểm công cộng, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát cách ly, đo lường mức độ giãn cách xã hội và các nghiệp vụ khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh trong phòng chống dịch.

Với tinh thần mang công nghệ hỗ trợ ngành y, Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch. Đây là các nền tảng dùng chung nên có thể triển khai nhanh trên toàn quốc. Dịch bệnh là toàn quốc và chỉ có sử dụng nền tảng dùng chung, dữ liệu dùng chung mới giúp lực lượng y tế phản ứng nhanh, chính xác với các diễn biến của dịch.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Các nền tảng số dùng chung toàn quốc sẽ biến Việt Nam thành một cơ thể thống nhất, chỉ như vậy mới có thể kiểm soát được tình hình trên diện rộng toàn quốc, mới có thể phản ứng nhanh, linh hoạt, hành động thống nhất, triệt để và vì vậy mà có sức chống chịu cao”.

Toàn cảnh buổi lễ ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia

Được biết, các nền tảng công nghệ đã được triển khai ứng dụng và phát huy hiệu quả trong thực tế chống dịch như: nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; nền tảng hỗ trợ truy vết; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong vòng chưa đầy 2 tháng, gần 1.500 tỷ thiết bị phần cứng được các doanh nghiệp tập trung về cho Trung tâm, gần 1.000 người làm việc miễn phí cho Trung tâm. 18 doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam cung cấp hạ tầng và phát triển các nền tảng số chống dịch, 18 nền tảng số đã đưa vào khai thác, phục vụ cho tất cả các khâu chống dịch, từ sổ sức khỏe điện tử, tới nhập cảnh, khai báo y tế, truy vết, cách ly, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát giãn cách xã hội, tư vấn hỗ trợ người bệnh, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, cơ sở dữ liệu về người cao tuổi cần được ưu tiên tiêm vaccine, cơ sở dữ liệu về những người vô gia cư, không giấy tùy thân cần trợ giúp...  

Tại buổi lễ ra mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính tìm hiểu cụ thể, kỹ lưỡng một số nền tảng, giải pháp công nghệ đã được triển khai ứng dụng và phát huy hiệu quả như nền tảng hỗ trợ truy vết; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; tính năng Zalo Connect trên Zalo hỗ trợ người gặp khó khăn trong dịch bệnh; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm tại Bà Rịa - Vũng Tàu…

Theo đó, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia khi đã triển khai được các nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch. Đồng thời đề nghị Trung tâm tiếp tục cố gắng hoàn thiện các giải pháp để tham gia và đóng góp hơn nữa vào công tác phòng chống dịch.

Cũng trong thời gian này, các đại biểu cũng tham dự lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tới 100% tuyến huyện.

Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Viettel, VNPT đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố chưa được kết nối với hệ thống theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp. Qua đó, tính đến này công bố, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó.

Theo các y, bác sĩ tại các điểm cầu, đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ. Cùng với đó, giúp các y, bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng.

Thanh Bảo (T/H)