Sẽ có quy chuẩn cho lò đốt chất thải rắn y tế

Thứ sáu, 5/7/2019 | 11:47 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế mới (thay thế Quy chuẩn QCVN 02:2012/BTNMT) để kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do các lò đốt rác này gây ra.

Theo dự thảo, lò đốt chất thải rắn y tế (CTRYT) nếu không vận hành đúng sẽ sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống, có thể tạo ra chất độc hại dioxin, fura gây ô nhiễm môi trường thứ phát. Vì vậy, dự thảo quy chuẩn lần này đã quy định rõ khi khởi động và sấy nóng tất cả các vùng đốt, chỉ được nạp một số loại chất thải không nguy hại có nhiệt trị lớn (như chất thải sinh khối) để thay thế, bổ sung nhiên liệu truyền thống sau khi sử dụng nhiên liệu truyền thống để sấy nóng vùng đốt sơ cấp lên nhiệt độ trên 300°C và vùng đốt thứ cấp lên nhiệt độ trên 800°C. Các loại chất thải không nguy hại sử dụng trong quá trình khởi động này phải được xác định và ghi rõ trong quy trình.

(Ảnh minh họa)

Để đảm bảo yêu cầu về chất lượng không khí xung quanh khi khí thải phát tán vào môi trường, ống khói của lò đốt CTRYT không được thấp hơn 20 m tính từ mặt đất. Trường hợp trong phạm vi 40 m tính từ chân ống khói có vật cản cố định thì ống khói phải cao hơn tối thiểu 3 m so với điểm cao nhất của vật cản.

Trong lò đốt CTRYT áp suất phải nhỏ hơn áp suất bên ngoài để hạn chế khói thoát ra ngoài môi trường qua cửa nạp chất thải. Không được trộn không khí bên ngoài vào để pha loãng khí thải kể từ điểm ra của vùng đốt thứ cấp đến vị trí có độ cao 02 m tính từ điểm lấy mẫu khí thải trên ống khói.

Lò đốt phải có hệ thống xử lý khí thải với quy trình hoạt động bao gồm giải nhiệt (hạ nhanh nhiệt độ); xử lý bụi và xử lý các thành phần độc hại trong khí thải. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý khí thải phải có van xả tắt để xả khí thải trực tiếp ra ống khói mà không qua hệ thống xử lý khí thải khi có sự cố. Van xả tắt phải có niêm phong của cơ quan cấp phép để tránh sử dụng tùy tiện và phải thông báo trong vòng 48 giờ sau khi phá niêm phong để cơ quan cấp phép niêm phong lại.

Tro đáy lò, tro bay và các chất thải rắn khác phát sinh từ quá trình vận hành lò đốt CTRYT phải được xử lý bằng một trong ba phương pháp sau: Cô lập bằng đóng kén trong bể bê tông; Thuê đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý theo đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại; Phân định, phân loại theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để có biện pháp quản lý phù hợp theo quy định.

Huyền Châu (t/h)