Năng lượng mặt trời

SolarBK bàn giao hệ thống điện mặt trời trên phố đi bộ Phú Yên

Thứ tư, 6/12/2017 | 09:38 GMT+7
Ngày 1/12, Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) chính bàn giao hệ thống điện mặt trời tương tác lưới có công suất 20,28kWp trên tuyến phố đi bộ Phú Yên.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời nằm trong công trình xây dựng phố đi bộ Phú Yên, được tính dọc trên con đường Độc Lập đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến giáp khu resort Thuận Thảo (bao gồm phần cải tạo Quảng trường 1-4).

Thông qua yêu cầu ban đầu và khảo sát vị trí, SolarBK đề xuất giải pháp điện mặt trời tương tác lưới, có công suất 20,28 kWp, bao gồm 78 tấm pin năng lượng mặt trời 260 Wp, được lắp đặt trên mái hai nhà vệ sinh của khu vực.

Đặc điểm chính của giải pháp là có thể dự trữ điện năng để sử dụng lại trong trường hợp mất điện, điện chập chờn không đủ tải. Theo nguyên lý hoạt động, các tấm pin năng lượng mặt trời nhận bức xạ mặt trời và chuyển hóa thành dòng điện một chiều, được tối ưu hóa hiệu suất rồi sạc đầy vào ắc quy. Khi lưới bị mất điện, nguồn điện dự trữ từ ắc quy sẽ ngay lập tức được thiết bị inverter chuyển hóa thành điện xoay chiều, đảm bảo không làm gián đoạn các hoạt động sinh hoạt, vui chơi của người dân và khách du lịch tại khu vực này.

Trước đó, dù chưa bàn giao chính thức, hệ thống được chủ đầu tư và SolarBK thống nhất đưa vào khai thác ngay từ tháng 6 đến nay sau khi nghiệm thu kỹ thuật. Với công suất 20,28 kWp, hệ thống sẽ sản sinh khoảng 81,12 kWh/ngày, tương đương gần 30 MWh/năm, giúp tiết kiệm gần 65 triệu chi phí tiêu thụ điện năng mỗi năm. Không chỉ có giá trị cao về kinh tế, dự án còn thể hiện ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ môi trường khi giúp giảm phát thải mỗi năm lên tới 20 tấn CO2 ra ngoài môi trường.

Nằm ở khu vực gần biển và hứng chịu nhiều mưa bão, SolarBK tính toán các yếu tố cần thiết để hệ thống vẫn đảm bảo an toàn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, muối biển ăn mòn, đặc biệt là cách gia cố giàn khung để chịu được sức gió lên đến cấp 12.

Ông Đào Duy Chương, đại diện SolarBK cho biết: “Với kinh nghiệm nhiều năm thi công các dự án ngoài đảo Trường Sa, chúng tôi khá tự tin khi tiếp nhận thiết kế, thi công cho dự án điện mặt trời tương tác lưới tại phố đi bộ Phú Yên lần này. Các tính toán về thiết kế đảm bảo công trình có thể chịu được sức gió lớn và chống ăn mòn từ muối biển. Ngoài ra, việc di chuyển và bảo dưỡng, bảo trì cũng khá thuận tiện khi chúng tôi có thể theo dõi hệ thống từ xa qua phần mềm giám sát thông minh. Điều này giúp cho SolarBK cũng như tỉnh Phú Yên chủ động trong việc giám sát vận hành và phát hiện các cảnh báo lỗi kịp thời, thông qua công nghệ thông minh này. Trong đợt bão vừa qua, mặc dù hệ thống vẫn hoạt động ổn định, an toàn nhưng chúng tôi vẫn chủ động xử lý các phương án gia cố để đảm bảo an toàn cho thiết bị và khu vực xung quanh”.

Trước đó, Phú Yên cũng từng hợp tác với SolarBK triển khai mô hình tưới tiêu ruộng mía tự động bằng điện mặt trời. Mô hình đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nông dân khi tất cả đều được “công nghệ” hóa với chỉ một nút chạm, tính toán cho ra năng suất tốt hơn và đem đến giá trị cao về mặt kinh tế. Cùng với Đà Nẵng, Phú Yên được dự đoán sẽ là tỉnh miền Trung tiếp theo định hướng phát triển kinh tế “xanh” bằng điện mặt trời.

 

Phạm Điệp