Năng lượng tái tạo

Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen

Thứ tư, 7/2/2024 | 15:48 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể và định hướng đối với từng lĩnh vực. Cụ thể, về sản xuất năng lượng hydrogen, giai đoạn đến năm 2030: triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam. Triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong thu giữ/sử dụng carbon (CCS/CCUS) gắn với quá trình sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn năng lượng khác (như than, dầu khí…). Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030.

Định hướng đến năm 2050: tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam. Tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến trong thu giữ/sử dụng carbon (CCS/CCUS) gắn với quá trình sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn năng lượng khác (như than, dầu khí…). Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.

Phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo

Về sử dụng năng lượng hydrogen, giai đoạn đến năm 2030: từng bước phát triển thị trường năng lượng hydrogen phù hợp và đồng bộ với lộ trình chuyển đổi nhiên liệu trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng của nền kinh tế bao gồm sản xuất điện, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép, xi măng, hóa chất, lọc dầu, công nghiệp khác), thương mại và dân dụng.

Triển khai áp dụng thử nghiệm năng lượng có nguồn gốc hydrogen trong một số lĩnh vực có khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn của hệ thống và giá thành hợp lý.

Cụ thể, sản xuất điện: nghiên cứu triển khai thí điểm đồng đốt khí với hydrogen và than với ammoniac tại các nhà máy điện khí, điện than để chuẩn bị cho việc thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang năng lượng có nguồn gốc hydrogen.

Giao thông vận tải: nghiên cứu triển khai thí điểm áp dụng năng lượng hydrogen cho các phương tiện giao thông vận tải công cộng và vận tải đường dài.

Công nghiệp: nghiên cứu triển khai thí điểm sử dụng năng lượng hydrogen xanh thay thế hydrogen xám trong sản xuất phân bón, lọc hóa dầu; thí điểm sử dụng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen trong sản xuất thép xanh, xi măng… ít phát thải.

Về tồn trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogen, giai đoạn đến năm 2030: nghiên cứu triển khai thí điểm sử dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của ngành năng lượng phục vụ tồn trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogen phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn của hệ thống và giá thành hợp lý. Nghiên cứu xây dựng thí điểm các trung tâm/cơ sở sản xuất thiết bị chuyên dụng phục vụ vận chuyển, tồn trữ, phân phối năng lượng hydrogen. Nghiên cứu xây dựng thí điểm các hệ thống phân phối năng lượng hydrogen cho lĩnh vực giao thông ở các tuyến đường và khu vực có điều kiện thuận lợi…

Về xuất khẩu năng lượng hydrogen, giai đoạn đến năm 2030: tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào về năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) và lợi thế về vị trí địa lý, khuyến khích việc đầu tư sản xuất năng lượng hydrogen xanh để xuất khẩu trên nguyên tắc bảo đảm an ninh năng lượng, quốc phòng an ninh và hiệu quả kinh tế. Định hướng đến năm 2050, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hydrogen xanh, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen xanh của khu vực.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, chiến lược đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách; đầu tư, tài chính; khoa học công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; hợp tác quốc tế và công tác truyền thông.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam. Trong đó, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan triển khai chiến lược này. Tổ chức tuyên truyền phổ biến nội dung của chiến lược này đến các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo quy định nhằm tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng có nguồn gốc hydrogen, khuyến khích các hộ tiêu thụ chuyển đổi công nghệ sang sử dụng năng lượng có nguồn gốc hydrogen. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các dự án năng lượng có nguồn gốc hydrogen phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng hydrogen.

Tiến Đạt