Thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030

Thứ ba, 21/12/2021 | 16:22 GMT+7
Ngày 20/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Quyết định số 2501/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch nhằm quán triệt nội dung, cụ thể hóa, phân công và chỉ đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ TN&MT thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược; tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực, dự báo, cảnh báo, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm và đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, có hiệu quả giữa các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Chiến lược.

Để thực hiện tốt Chiến lược, Quyết định nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, đất đai, địa chất khoáng sản có liên quan đến phòng, chống thiên tai. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước để nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo.

Nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, đất đai, địa chất khoáng sản, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên khoáng sản, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường các chế tài để đảm bảo việc thực thi pháp luật, định kỳ và đột xuất kiểm tra và xử lý kịp thời, triệt để các hành vi vi phạm.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy. Tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về thiên tai; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai; kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thống với hiện đại để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai, rủi ro thiên tai với nội dung và hình thức đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận để đưa thông tin cảnh báo đến người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.

Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội tổ chức các chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai.

Nâng cao công tác dự báo khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai trong giai đoạn tới

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy. Đặc biệt, phấn đấu hoàn thiện hệ thống quan trắc và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo đến năm 2030 đạt trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á; hệ thống hỗ trợ dự báo khí tượng thông minh đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu trong phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai của các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân.

Đánh giá tổng thể và phân vùng chi tiết rủi ro thiên tai khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cho các khu vực vùng núi, trung du, chi tiết tới cấp huyện, tích hợp, đồng bộ các mô hình dự báo thủy văn trên các lưu vực sông, xây dựng công cụ cảnh báo, dự báo chi tiết phạm vi ngập lụt, độ sâu ngập lụt vùng hạ lưu các sông và hạ lưu các hồ chứa.

Cập nhật và số hóa dữ liệu ngành khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, địa chất, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan trong nước và quốc tế; định kỳ cập nhật kịch bản bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông, suối gần biên giới. Hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, tăng mật độ mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, đặc biệt là các khu vực mật độ trạm còn thưa và trên khu vực biển Đông bao gồm các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong các quy hoạch liên quan đến sử dụng tài nguyên đất, nước để bảo đảm an toàn, hạn chế tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai. Kế hoạch thực hiện Chiến lược yêu cầu tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như mạng vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, vận hành hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo và phát triển dịch vụ khí tượng thủy văn, tài nguyên nước.

Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dự báo khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai; duy trì hợp tác, thường xuyên cung cấp thông tin về thiên tai và giữ liên lạc với các đầu mối quốc tế để tiếp nhận xu hướng quản lý rủi ro thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo Quyết định, Tổng cục Khí tượng thủy văn có trách nhiệm làm đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công; định kỳ hàng năm rà soát, đánh giá, báo cáo và đề xuất các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Kế hoạch.

Gia Bách