Trong nước

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Thứ sáu, 2/2/2024 | 10:34 GMT+7
Ngày 2/2, Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới".

Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX là sự kiện thường niên của Chính phủ, là dịp để các đại biểu chia sẻ, trao đổi, đưa ra những định hướng, quyết sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Tại diễn đàn, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách về tín dụng; hỗ trợ chế biến sản phẩn…

HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và chất lượng, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động.

Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2024 

Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các HTX với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hướng tới mục tiêu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm thành lập quốc gia, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam huy động mọi nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển nhanh, bền vững, dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phù hợp tình hình Việt Nam và xu thế thế giới. Trong đó, kinh tế hợp tác, HTX được xác định là thành phần quan trọng.

Khu vực kinh tế tập thể là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Do đó, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động lấy lợi ích kinh tế là chính; coi trọng lợi ích về chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Trong đó, đề cao lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể; thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Hơn nữa, Thủ tướng mong muốn các đại biểu hiến kế giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực kinh tế tập thể, HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới.

Trong diễn đàn, các đại biểu góp ý, đề xuất chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX một cách thiết thực, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với cơ chế thị trường, tạo động lực để khu vực này bắt kịp, tiến cùng và vươn lên so với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Bảo Ngọc (T/H)