Sức khỏe

Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về hồi sức sản khoa

Thứ tư, 10/1/2024 | 10:45 GMT+7
Ngày 9/1, tại Hà Nội, đại diện đến từ Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, các chuyên gia Bệnh viện Brigham and Women’s, Đại học Y Harvard (Hoa Kỳ), các nhân viên y tế trong lĩnh vực sản khoa cùng tham gia hội nghị quốc tế Gây mê hồi sức sản khoa và hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Mai Trọng Hưng cho biết, trong quá trình hội nhập toàn cầu về y tế và cách mạng 4.0, nghiên cứu khoa học là một trong những trụ cột cơ bản. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trang bị hệ thống những máy móc, thiết bị hiện đại, tạo điều kiện cho các giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có thể triển khai nghiên cứu tại bệnh viện.

Mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện gần 50.000 ca sinh đẻ. Là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành sản phụ khoa của Bộ Y tế, nhiều năm qua, bệnh viện đã chuyển giao nhiều kỹ thuật cao về sản khoa cho tuyến dưới, giúp phát hiện sớm các dị tật thai nhi chuyển lên tuyến trên điều trị kịp thời. Thông qua hội nghị lần này, Bệnh viện Phụ sản mong muốn các chuyên gia cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán trước sinh, tầm soát sớm nguy cơ để tránh biến chứng trong quá trình thai kỳ.

Quang cảnh hội nghị

Ths. BS Jimin Kim, Bệnh viện Brigham & Women, Đại học Y Harvard đã chia sẻ những kiến thức về tử vong mẹ và cách tiếp cận giảm tỷ lệ tử vong mẹ. Theo đó, tỷ lệ tử vong phụ nữ khi mang thai đang là gánh nặng toàn cầu. Thống kê trong năm 2020 cho thấy, có khoảng 287.000 phụ nữ tử vong trong và sau khi mang thai, sinh con. Trong số này, gần 95% số ca tử vong mẹ xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng phổ biến nhất là do người mẹ bị xuất huyết và tử vong gián tiếp (người mẹ có bệnh, không liên quan đến thai kỳ). Vì vậy, để ngăn ngừa và giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai, bà Jimin Kim cho rằng, phải xác định sớm phụ nữ có nguy cơ cao, dự đoán nguy cơ mắc bệnh và tử vong mẹ, từ đó có hỗ trợ, đưa ra quyết định về mức độ bệnh để theo dõi và chăm sóc phù hợp…

Chia sẻ kiến thức về “Sinh thiết gai rau trong chẩn đoán trước sinh: Lợi ích và nguy cơ”, TS. Nguyễn Thị Sim, Giám đốc Trung tâm Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 2 - 3% trẻ sinh ra bị bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh; 240.000 tử vong chu sinh mỗi năm; 170.000 trẻ tử vong trong độ tuổi 1 tháng đến 5 tuổi. Trong khi đó, việc phát hiện sớm dị tật bẩm sinh hiện chưa được nhiều cơ sở y tế triển khai vì đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi kinh nghiệm của kỹ thuật viên.

TS. Trần Văn Cường, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện đã cấp cứu nhiều ca bệnh có diễn biến bất thường trong quá trình sinh nở và đã cứu được tính mạng của cả sản phụ và trẻ sơ sinh. Cấp cứu sản khoa là tối cấp; cần chuyên môn, kỹ thuật để xử lý kịp thời; cần có quá trình theo dõi sát sao thai kỳ và nhận biết kịp thời biến chứng để xử lý an toàn, phù hợp.

Lâm Bảo (T/H)