Năng lượng sạch

Việt Nam ủng hộ các nguồn năng lượng mới

Thứ năm, 26/9/2019 | 10:44 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định mong muốn và cam kết sẽ luôn chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo (thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch cũ có hại cho môi trường), nhằm đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói riêng, đồng thời góp phần vào mục tiêu chung toàn cầu về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, vì một thế giới phát triển xanh và bền vững.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại chuỗi các hội nghị Bộ trưởng về năng lượng từ ngày 24 - 27/9/2019 tại Tokyo, Nhật Bản. 3 hội nghị Bộ trưởng về năng lượng được tổ chức trong dịp này bao gồm: Hội nghị Bộ trưởng Hydrogen lần thứ 2, Hội nghị quốc tế về tái chế carbon lần thứ nhất, Hội nghị sản xuất và tiêu thụ khí LNG lần thứ 8.

Hội nghị Bộ trưởng Hydrogen được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 tại Tokyo, Nhật Bản, với sự tham gia của các Bộ trưởng và quan chức phụ trách năng lượng của 21 quốc gia, khu vực cùng hơn 300 đại diện của các công ty, tổ chức và các chuyên gia trong lĩnh vực hydrogen. Các đại biểu đã trao đổi ý kiến về tầm quan trọng của hydrogen đối với quá trình chuyển đổi năng lượng và khử carbon, hiện trạng và triển vọng tương lai của các công nghệ liên quan đến hydrogen, nhu cầu hợp tác quốc tế cho một thị trường cung ứng hydrogen bền vững... và cùng thông qua Tuyên bố Tokyo.

Các Bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hydrogen lần thứ 2

Tiếp nối thành công của Hội nghị năm 2018, Hội nghị Bộ trưởng Hydrogen lần thứ 2 năm 2019 đã được tổ chức nhằm giới thiệu các tiến bộ công nghệ liên quan đến hydrogen và nâng cao nhận thức toàn cầu về hydrogen như là nguồn năng lượng của thế hệ mới. Các đại biểu sẽ cập nhật tiến trình thực thi Tuyên bố Tokyo, và trên cơ sở đó tiếp tục trao đổi chuyên sâu hơn về chính sách của từng quốc gia cũng như triển vọng hợp tác toàn cầu nhằm sử dụng hydrogen hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu giảm 80% lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2050, sự đổi mới công nghệ liên quan đến thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon dioxide mang ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và đảm bảo nguồn cung tài nguyên mới ổn định. Chính phủ Nhật Bản vào tháng 02 năm 2019đã đưa ra khái niệm “Tái chế carbon” - một hệ thống trong đó carbon dioxide sẽ được thu hồi, sử dụng và tái chế thành nhiều hợp chất carbon.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (Bộ METI) và Tổ chức Phát triển Công nghệ công nghiệp và năng lượng mới (NEDO) đã phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế về tái chế carbon lần thứ nhất, quy tụ các chuyên gia hàng đầu thế giới trong cả ba lĩnh vực gồm thu hồi, sử dụng và tái chế carbon dioxide. Các đại biểu đã thảo luận về những kiến thức, sáng kiến mới, triển vọng hợp tác toàn cầu, thách thức đối với đổi mới.., cũng như đóng góp ý kiến đối với “Lộ trình ứng dụng công nghệ tái chế carbon”.

Hội nghị sản xuất và tiêu thụ khí LNG được tổ chức thường niên từ năm 2012 đến nay với vai trò là một diễn đàn để lãnh đạo cấp cao của các chính phủ, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu... của cả hai phía là nước sản xuất và nước tiêu thụ khí LNG tập trung và thảo luận về diễn biến thị trường khí LNG và triển vọng phát triển trong tương lai. Hội nghị sản xuất và tiêu thụ khí LNG lần thứ 8 đã thảo luận về các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thúc đẩy tiêu thụ khí LNG ở châu Á, đóng góp của khí LNG với vai trò là nhiên liệu hóa thạch sạch đối với môi trường, đổi mới hỗ trợ công nghiệp khí LNG...

Tuấn Kiệt