Xây dựng hiệp ước pháp lý quốc tế về ô nhiễm rác thải nhựa

Thứ tư, 24/4/2024 | 16:04 GMT+7
Các đại biểu của Liên Hợp Quốc, trong đó có Việt Nam đã vừa tham dự phiên họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) để xây dựng một hiệp ước ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm rác thải nhựa bao gồm cả môi trường biển vào cuối năm 2024.

Theo đó, phiên làm việc tiến tới hoàn tất thỏa thuận về một hiệp ước toàn cầu nhằm loại bỏ ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay.

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, thế giới hiện đang thải ra khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm nhưng chưa đến 10% trong số rác thải nhựa này được đem đi tái chế. Số lượng rác thải nhựa được đem đi tái chế quá ít trong khi số lượng nhựa được sản xuất ra và vứt bỏ không ngừng tăng theo thời gian, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với môi trường và sức khỏe con người.

Ảnh minh họa

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Steven Guilbeault cho biết, nhựa đã trở thành hình ảnh thu nhỏ của văn hóa tiêu dùng từ giữa thế kỷ XX, rẻ tiền, dùng một lần và hiện đại. Thế giới đã trở nên phụ thuộc vào nhựa và giờ đây đã nhận ra tầm nguy hiểm của nó. Do đó, ông Steven Guilbeault cho rằng cần tạo dựng sự đồng thuận mới để loại bỏ nhựa, chấm dứt sự lãng phí, tốn kém và có hại của nhựa bắt đầu từ thời điểm này.

Theo Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại INC-4, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Ngọc Tuấn, ô nhiễm nhựa đang được coi là thách thức môi trường nghiêm trọng. Ô nhiễm nhựa không có biên giới và là vấn đề môi trường cấp bách thứ hai sau biến đổi khí hậu. Sự tàn phá do ô nhiễm nhựa ở đại dương là không thể phủ nhận. Vấn đề ô nhiễm nhựa cần phải được giải quyết nhưng đòi hỏi mỗi quốc gia phải có một cách tiến hành và lộ trình thực hiện riêng, không thể áp dụng một công thức chung.

Việt Nam và các nước thành viên khác đều ủng hộ việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý để giải quyết vấn đề này. Đây sẽ là bộ khung pháp lý để các quốc gia thành viên xây dựng hành động giảm ô nhiễm nhựa và cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về môi trường.

Việt Nam mong muốn có một sự cân bằng bởi bên cạnh những biện pháp kiểm soát thì phải tính tới phương pháp thực hiện bao gồm tài chính, công nghệ, năng lực. Việt Nam ủng hộ quan điểm đối phó với ô nhiễm nhựa hiện nay nhưng trước mắt cần phải có những đánh giá cụ thể về những tác động trong tương lai khi tham gia thỏa thuận. Ngoài những tác động môi trường còn có những tác động về kinh tế hay tác động tới sinh kế của người dân.

Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc nhấn mạnh đến tính cấp thiết cần có hiệp ước và hành động cụ thể chống ô nhiễm nhựa.

Được biết, trong khuôn khổ các phiên làm việc tại Ottawa, Canada, Ủy ban đàm phán liên chính phủ mong chờ một hiệp ước mới nhằm xúc tác và hướng dẫn các hành động, định hướng quan hệ hợp tác quốc tế cần thiết để mang lại một tương lai phát triển bền vững, không ô nhiễm nhựa.

Kim Bảo (T/H)