Kinh tế xanh

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Thứ sáu, 28/10/2022 | 12:47 GMT+7
Ngày 28/10, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) đồng tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và bàn giao kết quả dự án “Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm”.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Hợp tác quốc gia thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam”, được khởi động từ tháng 2/2021. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, các cấp, các ngành về việc phân loại, thu gom tái chế, vận chuyển, quản lý rác thải theo quy định và tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về giảm thiểu sử dụng túi nilon; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các Sở, ban, ngành, tổ chức phi chính phủ và các công ty có cam kết mạnh mẽ về xử lý ô nhiễm rác thải nhựa.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và bàn giao kết quả dự án “Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm”

Theo thông tin tại hội thảo, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tiến đến tương lai kinh tế xanh, không còn rác thải nhựa đang là một trong những mục tiêu trọng tâm của Việt Nam hiện tại. Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định rõ: các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi bao bì, sản phẩm có khả năng tái chế với tỷ lệ và quy cách bắt buộc, hoặc phải thông qua hợp đồng dịch vụ, cơ chế đóng góp tài chính để tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu.

Mới đây, Chính phủ cũng đã bổ sung vào Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn. Đây là điểm mới nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn, góp phần xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn theo Luật Bảo vệ môi trường. 

Tại hội thảo, UBND quận Hoàn Kiếm và CECR đã trình bày báo cáo kết quả dự án “Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm”. Cụ thể, được triển khai từ 15/2/2021 đến 30/6/2022, sau thời gian thí điểm tại phường Hàng Đào, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải nhựa giá trị thấp đã được nhân rộng trên địa bàn 5 phường thuộc quận Hoàn Kiếm: Hàng Trống, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Cửa Đông và Phúc Tân. Kết quả thu được là, có 8.000 hộ dân trên địa bàn các phường nhận được hướng dẫn phân loại rác nhựa giá trị thấp tại nguồn, 7.000 hộ dân trực tiếp tham gia phân loại rác. Trung bình lượng rác nhựa giá trị thấp thu gom được là khoảng 170kg/ngày.

Bên cạnh hoạt động thu gom rác thải, ban tổ chức dự án còn triển khai nhiều hoạt động tương tác thú vị nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn quận. Điển hình là cuộc thi “7 ngày sống xanh” được triển khai trên fanpage Hà Nội của tôi, kêu gọi mọi người chia sẻ các cách thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa. Ngoài ra, dự án cũng tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm để hướng dẫn cách phân biệt các loại rác thải, nhất là rác thải nhựa.

Phát biểu trong hội thảo, ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), nhà tài trợ toàn bộ dự án chia sẻ: Dow rất vinh dự tài trợ dự án “Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm”. Qua thời gian triển khai thực hiện, công ty vui mừng khi đã thành công kết nối các bên liên quan cùng chung tay thực hiện mục tiêu cao cả là “Biến rác thải nhựa thành tài nguyên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường”. Hy vọng dự án sẽ là mô hình kinh tế tuần hoàn mẫu, tiêu biểu, có thể nhân rộng áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Bảo vệ môi trường, đơn vị phụ trách hỗ trợ các phương thức kỹ thuật và triển khai thực hiện dự án, kết quả của dự án đã đóng góp vào thực hiện chiến lược “Quản lý, phân loại rác thải, ngăn chặn rác thải nhựa và túi nilon trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và chiến lược dài hạn của hợp tác công – tư. Sắp tới, dựa trên kết quả và bài học kinh nghiệm đã có, dự án sẽ tiếp tục được triển khai, nhân rộng tại các phường khác của quận Hoàn Kiếm.  

Thanh Tâm