Bất động sản

Bản tin bất động sản số 22/2020

Thứ bảy, 27/6/2020 | 16:38 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển mục đích sử dụng đất hơn 80 ha đất nông nghiệp sang đất dự án tại hai tỉnh Hà Nam và Hải Dương; Công an làm việc với các đầu nậu đất tại Bình Chánh… là những tin tức bất động sản nổi bật trong tuần qua.

Chuyển mục đích sử đất cho hơn 80 ha đất nông nghiệp tại hai tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án trên địa bàn 2 tỉnh: Hà Nam và Hải Dương.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý: UBND tỉnh Hà Nam quyết định chuyển mục đích sử dụng 36,84 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; UBND tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng 44,57 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Hơn 80 ha đất nông nghiệp được Thủ tướng phê duyệt chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp tại Hà Nam và Hải Dương

UBND hai tỉnh: Hà Nam và Hải Dương chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định.

Công an làm việc với 32/38 đầu nậu đất ở Bình Chánh

Sáng 25/6, đại diện UBND huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết, sẽ tập trung lực lượng chuyên ngành để đấu tranh, trấn áp, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng tại địa bàn xã Vĩnh Lộc A.

UBND huyện sẽ tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ: huy động tối đa lực lượng để xử lý dứt điểm tất cả các trường hợp móng gạch, nhà quây tole, phân lô, bán nền và xây dựng công trình nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp phát sinh sau Chỉ thị số 23.

Tập trung lực lượng chuyên ngành để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng; điều tra, khởi tố theo quy định pháp luật đối với các đối tượng đầu nậu, đầu cơ đất nông nghiệp (phân lô bán nền, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp).

Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, bảo kê, bao che, làm ngơ cho các hoạt động vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng đến từng hộ gia đình, cá nhân, người sử dụng đất trên địa bàn. Tăng cường lượng cán bộ, công chức và trang bị phương tiện để thực hiện tuần tra, kiểm tra khép kín các địa bàn, khu vực thường xuyên xảy ra vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng...

Tồn hơn 100.000 tỉ, đề xuất cho người nước ngoài mua condotel

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 39.100 căn hộ du lịch (condotel).

Trong đó có 48 dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đang triển khai xây dựng với 18.549 căn hộ và 3.359 biệt thự đang triển khai xây dựng.

Báo cáo của 34 tỉnh, TP gửi về Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý I/2020 có 5 dự án BĐS được cấp phép đầu tư với 4.512 căn hộ du lịch và 476 biệt thự du lịch được cấp phép. Loại hình căn hộ du lịch mới hình thành ở nước ta nhưng đang phát triển rất nhanh, chủ yếu ở các vùng ven biển.

Đề xuất cho người nước ngoài mua condotel. (Ảnh minh họa)

Thời điểm này, thị trường cả nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, giao dịch giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho BĐS tăng mạnh, ước tính giá trị tồn kho của các doanh nghiệp đã niêm yết lên sàn tương đương 104.550 tỉ đồng. Lượng tồn kho BĐS chủ yếu là căn hộ cao cấp, căn hộ du lịch.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở năm 2014 cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tại mỗi tòa nhà chung cư cần tăng số lượng nhà ở mà cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu.

Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cũng cho rằng, nhu cầu của các cá nhân nước ngoài với loại hình BĐS du lịch là rất lớn nhưng nhóm đối tượng này chỉ được mua nhà ở. Vì vậy, VNREA kiến nghị cho phép cá nhân nước ngoài mua các loại hình sản phẩm khác như BĐS du lịch để thu hút vốn đầu tư lớn. Việc quản lý có thể thông qua các quy định tương tự như quy định khi người nước ngoài mua nhà ở.

Cử tri kiến nghị sớm hiện thực hóa khu đô thị vệ tinh Sơn Tây

Chiều 22/6, tổ đại biểu HĐND TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 29 đã tiếp xúc cử tri thị xã Sơn Tây, trước kỳ họp thứ XV, HĐND TP khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, bên cạnh ghi nhận những kết quả tích cực về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, cử tri thị xã Sơn Tây cũng kiến nghị, đề xuất một số vấn đề còn tồn tại, bất cập.

Trong đó, cử tri kiến nghị TP sớm điều chỉnh lại việc phân cấp quản lý về thủy lợi vì hiện nay còn nhiều bất cập, khó khăn trong triển khai ở cơ sở; đẩy nhanh việc mở rộng quốc lộ 21 vì hiện có nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giao thương.

Đặc biệt, cử tri đề nghị sớm triển khai, hiện thực hóa khu đô thị vệ tinh Sơn Tây theo đề án quy hoạch, giúp thị xã Sơn Tây phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế.

Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị thành phố hướng dẫn thủ tục và giám sát tốt việc hỗ trợ giai đoạn 2 các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Cả nước đã thực hiện được 248 dự án nhà ở xã hội

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở ngày 01/04/2019, cả nước có hơn 96,2 triệu dân với tốc độ tăng khoảng 01 triệu người mỗi năm. TPHCM có hơn 8,9 triệu người (bao gồm cả người có đăng ký tạm trú từ 06 tháng trở lên). Dân số thực tế của TP lên đến khoảng 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư tạm trú ngắn hạn và khách vãng lai.

Tốc độ tăng dân số rất cao, tỷ lệ tăng bình quân 2,28%/năm trong 10 năm qua (cao gấp đôi mức tăng dân số bình quân 1,14% của cả nước). Bình quân cứ mỗi 05 năm tăng thêm khoảng 01 triệu người. Mỗi năm tăng gần 200.000 người, trong đó, tăng cơ học khoảng 140.000 người, tăng tự nhiên với khoảng trên dưới 60.000 cháu chào đời/năm.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Riêng TPHCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn...

Hiện nay, cả nước đã thực hiện được 248 dự án nhà ở xã hội

Theo báo cáo của Sở Xây dựng năm 2016, tỷ lệ nhà bán kiên cố chiếm đến 60,1% và tỷ lệ nhà ở đơn sơ vẫn còn 0,7% tổng số nhà ở. Cũng theo thống kê của Sở Xây dựng năm 2018, toàn TP có gần 500.000 hộ chưa có sở hữu nhà ở, ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình đông người trong những căn nhà nhỏ có diện tích ở bình quân thấp hơn 10m2/người.

Đến nay, cả nước đã thực hiện được 248 dự án nhà ở xã hội, với 5,175 triệu m2 sàn xây dựng đạt 41,4% kế hoạch đã đề ra cho giai đoạn 2015 - 2020 và đã có khoảng 100.000 hộ tạo lập được nhà ở xã hội.

Cử tri Hà Nội kiến nghị thanh tra công tác dồn điền, đổi thửa

Ngày 24/6, các tổ đại biểu HĐND TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 9, 16, 20, 23 đã tiếp xúc cử tri tại các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Mỹ Đức, Sóc Sơn.

Cử tri các địa phương đã kiến nghị với TP nhiều vấn đề dân sinh bức xúc liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu nước sạch, giao thông xuống cấp…

Trong đó, cử tri huyện Gia Lâm đề nghị TP đôn đốc việc sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 17 nhằm bảo đảm an toàn giao thông; sớm quan tâm đấu nối hệ thống nước sạch cho 40 hộ dân xã Kim Sơn; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra công tác dồn điền, đổi thửa tại một số xã. Cử tri quận Long Biên kiến nghị TP quan tâm xây dựng nhà văn hóa họp dân ở một số tổ dân phố còn thiếu; xem xét lại mức giá đền bù giải phóng mặt bằng để nhân dân đồng thuận, không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án...

Kiến nghị của cử tri đã được các tổ đại biểu HĐND TP tiếp thu, tổng hợp, để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định.

Mạnh Tùng (t/h)