Bản tin môi trường số 42/2023

Thứ hai, 6/11/2023 | 09:41 GMT+7
Vừa qua, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Ban Quản lý trung ương các dự án thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức bàn giao 70 ao nước chống hạn cho các hộ dân tại 2 huyện Krông Pắc và Ea Kar.

UNDP tiếp tục bàn giao ao chống hạn, ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam" (SACCR). Dự án do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ; UNDP phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cùng triển khai. Mục tiêu đến năm 2026, thông qua dự án sẽ có 1.507 ao chống chịu khí hậu được xây dựng, bàn giao và đưa vào sử dụng.

Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại lễ bàn giao 70 ao nước chống hạn cho các hộ dân tại 2 huyện Krông Pắc và Ea Kar

Dự án SACCR lần này bàn giao 70 ao trong tổng số 260 ao sẽ xây mới và cải tạo đến năm 2026. Sau khi bàn giao, các đơn vị triển khai nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn nước quý hiếm trong mùa khô. Với tổng dung tích hơn 60.000 m3, các ao nước chống hạn có thể cung cấp nước tưới cho hơn 52ha cây trồng. Những người hưởng lợi từ dự án thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số là trụ cột trong gia đình.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, tính riêng tại tỉnh Đắk Lắk, dự án sẽ xây mới 917 hệ thống kết nối điểm cuối; hỗ trợ thiết lập 2.335 hệ thống tưới tiết kiệm nước nội đồng, tập huấn về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu thông qua các Lớp học đồng ruộng cho 5.838 hộ, hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho 2.335 hộ và cải thiện khả năng tiếp cận tới thông tin thị trường, tín dụng, dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp cho 29.980 hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn dự án.

Việt Nam hợp tác toàn diện trong lĩnh vực môi trường với Hàn Quốc

Mới đây, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã hội đàm với đoàn công tác Bộ Môi trường Hàn Quốc do Bộ trưởng Han Whajin làm trưởng đoàn.

Trong buổi làm việc, Bộ Môi trường Hàn Quốc nhấn mạnh về lĩnh vực hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó chia sẻ, Hàn Quốc đã tuyên bố mục tiêu tiến đến trung hòa carbon vào năm 2050, đặt mục tiêu quốc gia tự đóng góp (NDC) đến 2030 là giảm 40% lượng khí nhà kính so với năm 2018, hiện đang không ngừng nỗ lực hướng đến mục tiêu này. Việt Nam cũng đang nỗ lực để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, do đó hy vọng cả Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục cùng nhau nỗ lực trên nhiều phương diện để thực hiện cắt giảm lượng khí thải carbon thông qua việc mở rộng hợp tác trong các dự án giảm phát thải toàn cầu.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ký kết hợp tác với Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc

Thời gian tới, Bộ trưởng Han Whajin mong muốn Việt Nam dành nhiều sự quan tâm và phối hợp về các dự án như: đốt rác thải để phát điện, chuyển đổi nhiên liệu sinh học… Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang mở rộng chương trình ODA xanh nhằm hợp tác toàn cầu về ứng phó chung trong vấn đề biến đổi khí hậu. Hàn Quốc cũng đang xúc tiến mạnh mẽ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ chuyển đổi xanh, cắt giảm khí nhà kính tại nhiều quốc gia nhận viện trợ. Bộ trưởng Han Whajin hy vọng, các dự án hợp tác ODA xanh trong các lĩnh vực như quản lý chất lượng nước, quản lý không khí, chất thải và các dự án liên quan đến chuyển động xanh Green Mobility sẽ được triển khai một cách suôn sẻ và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, với những kết quả hợp tác mà hai Bộ đã đạt được trong các lĩnh vực môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, rác thải nhựa đại dương, phát triển nền kinh tế tuần hoàn…, mong rằng Bộ trưởng Han Whajin tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực môi trường hơn nữa vì sự phát triển bền vững; nâng cao tầm quan trọng của việc bảo tồn và cải thiện môi trường cho các thế hệ hôm nay và tương lai.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Han Whajin đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc.

Áp dụng tiến bộ của khoa học để hạn chế tác động từ biến đổi khí hậu

Mới đây, hơn 1.400 nhà khoa học, chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và đại diện tổ chức xã hội đã tham gia Hội nghị Khoa học mở của Chương trình Nghiên cứu khí hậu thế giới (WCRP) diễn ra tại Kigali (Rwanda). Tại hội nghị, chủ tịch hội nghị Detlef Stammer cho biết, khoa học khí hậu rất quan trọng để dự đoán và lập kế hoạch cho các tác động của biến đổi khí hậu. Hội nghị là dịp để các bên làm rõ những tiến bộ to lớn đã đạt được, những khuyết điểm còn tồn tại, từ đó đưa ra chính sách về khoa học để sớm đạt được mục tiêu đề ra.

Sớm đưa ra chính sách về khoa học nhằm hạn chế biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến người dân

Với thông điệp “Khoa học khí hậu vì một tương lai bền vững cho tất cả mọi người”, các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra lời kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động ngay bây giờ để cứu hành tinh trước khi quá muộn, đồng thời thúc đẩy đầu tư đa phương, dễ tiếp cận và công bằng vào khoa học, dịch vụ khí hậu.

Tại hội nghị, các nhà khoa học đã cùng trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như: những thay đổi nhanh chóng và/hoặc không thể đảo ngược trong hệ thống khí hậu; tác động đến an ninh lương thực và nguồn nước; y tế đô thị; chu trình carbon và nước; ngân sách năng lượng toàn cầu; biến đổi khí hậu khu vực; gió mùa toàn cầu và khu vực; hiện tượng cực đoan; can thiệp khí hậu; dịch vụ khí hậu, mô hình và dự báo…

Khánh An