Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 13/2020

Thứ hai, 6/4/2020 | 08:19 GMT+7
Sau gần 3 tháng, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) - tổng thầu EPC của dự án điện gió Tân Thuận Cà Mau cùng Xí nghiệp khảo sát và các nhà thầu hiện đã hoàn thành hầu hết khối lượng công tác khảo sát. Dự kiến, công tác khảo sát dự án sẽ kết thúc toàn bộ vào ngày 3/4/2020, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Chuẩn bị hoàn thành công tác khảo sát dự án điện gió Tân Thuận Cà Mau

Nhà máy Điện gió Tân Thuận Cà Mau có 18 tuabin gió và tương ứng với 18 hố khoan độ sâu 80 m trên biển. Dù thời tiết biển trong tháng 1 và tháng 2 không được thuận lợi và thường có sóng lớn, PECC2 vẫn quyết tâm triển khai công tác khảo sát để đảm bảo tiến độ đề ra. Các kỹ sư địa chất, địa hình của Xí nghiệp khảo sát đã có mặt tại hiện trường ngày 7/1/2020 và triển khai lắp đặt giàn khoan số 1 ngày 8/1. Lúc cao điểm, 6 giàn khoan cùng làm việc.

Cũng có lúc thời tiết không thuận lợi gây khó khăn lớn cho công tác khảo sát. Ngày 10/2, giàn WTG-2 bị sóng kết hợp triều cường đánh sập, đến ngày 3/3 mới vào lại được vị trí sau khi được kéo vào bờ sửa chữa.

Ngoài 18 hố khoan trên biển, các hố khoan khảo sát trên bờ phục vụ thiết kế trạm biến áp và đường dây bắt đầu khoan ngày 16/2 và kết thúc ngày 1/3.

Thí nghiệm hiện trường với sự giám sát của các kỹ sư PECC2

Việc hoàn thành công tác khảo sát đúng tiến độ là bước tiến quan trọng của dự án, khẳng định quyết tâm của PECC2 hoàn thành dự án điện gió Tân Thuận theo đúng các tiêu chí: đảm bảo chất lượng, tiến độ, độ tin cậy, hiệu quả khai thác để dự án mang lại hiệu quả tốt nhất cho chủ đầu tư và xã hội.

Dự án điện gió Tân Thuận tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau do Công ty CP Đầu tư Năng lượng tái tạo Cà Mau làm chủ đầu tư, PECC2 là tổng thầu EPC. Dự án có tổng mức đầu tư 2.950 tỷ đồng, công suất lắp đặt 75MW, đã được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch theo Quyết định số 1402/QĐ-BCT ngày 11/4/2016 và Quyết định số 4940/QĐ-BCT ngày 27/12/2018.

Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào quý III/2021, bổ sung cho hệ thống điện sản lượng khoảng 220 triệu kWh/năm.

Sơn La sẽ cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 1.000 hộ dân

Theo Nghị quyết 184/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Sơn La khóa XIV, kỳ họp thứ 12, tỉnh Sơn La sẽ triển khai dự án cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 1.000 hộ dân, tại 202 bản, thuộc 55 xã, 11 huyện - những địa bàn không thể đấu nối với lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Tiểu dự án cấp điện nông thôn bằng nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Sơn La nhằm mục tiêu cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo cho các hộ dân ở những địa bàn không thể đấu nối với lưới điện quốc gia, cải thiện điều kiện sống, nâng cao vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tể - xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La. Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn năm 2020 - 2023. Dự án đầu tư xây dựng hệ thống pin năng lượng mặt trời với công suất trung bình 0,5 kW/hộ; cấp điện cho khoảng 1.000 hộ dân, tại 202 bản, thuộc 55 xã, 11 huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Các nội dung xây dựng công trình: xây dựng hệ thống phát điện, tích điện sử dụng năng lượng mặt trời để cấp điện cho các hộ dân. Các thiết bị lắp đặt đảm bảo phù hợp với công suất dự kiến lắp đặt, đáp ứng nhu cầu cơ bản về điện cho các hộ dân như thắp sáng, tivi, quạt điện.

Tổng vốn đầu tư dự kiến là 119 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu (EU): 101,150 tỷ đồng; nguồn ngân sách tỉnh đối ứng: 17,850 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Để triển khai thực hiện Nghị quyết, UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo sở Công Thương: thu thập, hoàn thiện số liệu về điều kiện thời tiết, khí hậu, bức xạ mặt trời khu vực triển khai dự án làm căn cứ tính toán, thiết kế; tính toán, thiết kế tối ưu với hệ thống lai ghép thông minh để cung cấp điện cho nhân dân đảm bảo an toàn, vận hành thường xuyên, liên tục. Đồng thời, nhiên cứu, ứng dụng hệ thống tự động hóa phục vụ công tác quản lý, giám sát và vận hành thiết bị. Nghiên cứu quy định đơn vị tiếp nhận, quản lý vận hành và khai thác theo quy định hiện hành đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí vốn đầu tư.

UBND tỉnh Sơn La triển khai thực hiện Nghị quyết, đảm bảo thực hiện quy trình các bước tiếp theo theo quyết định số 1740/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương tại văn bản số 7529/BCT-ĐL ngày 08/10/2019. Trên cơ sở hồ sơ sơ dự án được phê duyệt, trình cấp có thẩm quyên giao kế hoạch vốn thực hiện năm 2020 và chuyển tiếp dự án sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đề xuất giảm giá bán điện 3 tháng, hỗ trợ khách hàng gần 11.000 tỷ đồng

Bộ Công Thương vừa có văn bản trình Chính phủ đề xuất giảm giá bán điện với mức 10% trong 3 tháng nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tổng số tiền điện hỗ trợ cho các khách hàng sử dụng điện theo phương án do Bộ Công Thương đề xuất là khoảng gần 11.000 tỷ đồng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trên cơ sở số liệu báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện trong khoảng thời gian 3 tháng: từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Cụ thể, đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh, Bộ đề xuất giảm giá điện ở khung giá cao điểm, bình thường và thấp điểm với mức giảm 10% so với đơn giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.

Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, Bộ đề xuất giảm giá đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng) sẽ được hỗ trợ trên 10% tiền điện hàng tháng. Đây là các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Đối với các bậc thang cao trên 300 kWh, đề xuất giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đối với cơ sở lưu trú du lịch, với mục đích hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, sớm khôi phục sau khi hết dịch, đề xuất điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch giảm từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá áp cho các hộ sản xuất.

Ngoài ra, EVN sẽ thực hiện miễn giảm, hỗ trợ tiền điện từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho các cơ sở trực tiếp chống dịch COVID-19 với tổng số tiền ước khoảng 100 tỷ đồng. Cụ thể: giảm 100% giá bán điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19; giảm 20% giá bán điện cho cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19; giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng để cách ly.

Tổng số tiền điện hỗ trợ cho các khách hàng sử dụng điện theo phương án do Bộ Công Thương đề xuất là khoảng gần 11.000 tỷ đồng, trong đó số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh khoảng 6.104 tỷ đồng; các cơ sở lưu trú du lịch là 1.840 tỷ đồng; các hộ sinh hoạt được hỗ trợ khoảng 2.930 tỷ; các cơ sở phục vụ chống dịch COVID-19 khoảng 100 tỷ đồng.

PV