Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 9/2020

Thứ hai, 9/3/2020 | 08:27 GMT+7
Lưới điện thông minh đang tiếp tục được đưa vào sử dụng rộng rãi ở Việt Nam với kỳ vọng về tiềm năng lớn giúp sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.

Ứng dụng công nghệ mới vào phát triển lưới điện thông minh

Tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng vừa chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phát triển lưới điện thông minh để tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Lưới điện năm 2019 và đề xuất kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo năm 2020.

Được thành lập năm 2013, Ban chỉ đạo phát triển lưới điện thông minh Việt Nam có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện xây dựng các dự án cụ thể, xác định những mục tiêu cụ thể trong từng dự án, giao cho các đơn vị thực hiện, giám sát việc thực hiện tuân thủ theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của lưới điện thông minh, cùng với sự giúp đỡ của các nước phát triển trên thế giới như Đức, Nhật Bản… Việt Nam đang dần đưa lưới điện thông minh vào sử dụng rộng rãi trên cả nước. Ngày 25/11/2016, Bộ Công Thương ra Quyết định số 4602/QĐ-BCT về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện với mục tiêu nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện; góp phần trong công tác quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngày 11/05/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định 519/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả" (SGRE-EE) sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức.

Việt Nam đang dần đưa lưới điện thông minh vào sử dụng rộng rãi trên cả nước

Lưới điện thông minh đang trên đà cải tiến và tiếp tục được đưa vào sử dụng rộng rãi ở Việt Nam với kỳ vọng về tiềm năng lớn giúp sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.

Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển lưới điện thông minh Hoàng Quốc Vượng khẳng định, việc vận hành hệ thống điện một cách ổn định đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi một quốc gia. Phát triển lưới điện thông minh là một định hướng đúng đắn của Việt Nam.

Đồng thời, hiện nay, với xu thế chung về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh là một trong những giải pháp hữu hiệu để tích hợp, vận hành ổn định, tối ưu các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; góp phần khuyến khích phát triển, tăng tỷ trọng và khai thác có hiệu quả nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững. Chính vì vậy, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị Ban chỉ đạo phải đặc biệt quan tâm hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra hướng tới an toàn, hiệu quả, nâng cao độ tin cậy và phục vụ khách hàng tốt hơn nữa. Đặc biệt, Ban chỉ đạo phát triển lưới điện thông minh thường xuyên cập nhật xu thế mới, công nghệ mới trong phát triển ngành điện, nhất là trong thời đại 4.0.

Ngành điện thúc đẩy tiến độ các công trình giải tỏa công suất nguồn điện tái tạo

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) Nguyễn Văn Hợp cùng đoàn công tác mới đây đã đến kiểm tra thực tế thi công một số công trình giải phóng công suất dự án năng lượng tái tạo tại Bình Thuận.

Cụ thể, EVNSPC đã kiểm tra thực tế tại công trường xây dựng lộ ra 110kV trạm 220kV Phan Rí 2, tỉnh Bình Thuận và các vị trí cột của đường dây 110kV  mạch 2 Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí, tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận.

Tại công trình xây dựng, ông Nguyễn Văn Hợp chỉ đạo Ban Quản lý dự án lưới điện miền Nam (đơn vị quản lý A), đơn vị thi công (Công ty CP xây lắp Điện 1) và đơn vị giám sát (Công ty Dịch vụ Điện lực miền Nam) đẩy nhanh tiến độ thi công hơn nữa trong việc triển khai các công việc còn lại trên công trường.

Chủ tịch HĐTV EVNSPC nhấn mạnh, lộ ra 110kV trạm 220kV Phan Rí 2, tỉnh Bình Thuận là công trình quan trọng, cấp bách nhằm giải phóng công suất các nhà máy năng lượng tái tạo; đồng thời tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 110kV liên kết các khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam, cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện.

Ảnh minh họa

Với ý nghĩa như vậy, ông Hợp yêu cầu các đơn vị trên công trường tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong quá trình thi công, tranh thủ khẩn trương tổ chức thi công khi điều kiện thời tiết thuận lợi trong mùa khô; đồng thời cũng lưu ý về các biện pháp để đảm bảo an toàn lao động trên công trường. Các đơn vị trên công trường chủ động sáng tạo, tìm mọi giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức để dự án được hoàn thành đúng tiến độ Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao.

Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng các vị trí móng trụ phải thực hiện hết sức khẩn trương. Để đảm bảo việc này, ông Hợp giao Ban Quản lý dự án lưới điện miền Nam phối hợp với Công ty Điện lực Bình Thuận làm việc với các cấp chính quyền, các sở, ban ngành địa phương tranh thủ sự ủng hộ để đẩy nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng.

Đại diện đơn vị quản lý công trình, ông Pham Minh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý dự án lưới điện miền Nam cam kết cùng với Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị thi công sẽ nỗ lực tối đa để phấn đấu hoàn thành công trình theo đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV EVNSPC.

Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh sẽ chính thức vận hành từ tháng 6/2020

Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group) mới đây đã ký hợp đồng tổng thầu EPC với liên danh đối tác Sharp-NSN để xây dựng Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (Ninh Thuận).

Hợp đồng EPC dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh bao gồm vốn của Tập đoàn T&T Group và vốn huy động từ các nguồn tài chính khác, trong đó có sự hỗ trợ từ ngân hàng HD Bank.

Dự kiến, khi đi vào hoạt động vào tháng 6/2020, nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh. Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh sử dụng các tấm pin quang điện (Sharp) công suất 395Wp/tấm; hệ thống Inverter chuỗi cho hiệu suất cao (98%); máy biến áp nâng áp 110kV-40MVA do liên danh Sharp-NSN cung cấp. Hiện nhà máy đã hoàn thiện mặt bằng xây dựng, sẵn sàng lắp đặt thiết bị để nhà máy đi vào vận hành đúng tiến độ. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoàn thành toàn bộ và đi vào vận hành từ tháng 6/2020.

Phối cảnh dự án

Liên danh Sharp-NSN là một trong những nhà thầu đã thực hiện những hợp đồng EPC cho các dự án điện mặt trời lớn tại Việt Nam như: Nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền (48MWp), Nhà máy điện mặt trời TTC Hàm Phú 2 (49MWP)...

Trước đó, tháng 4/2019, Công ty CP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận và Công ty Mua bán điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) ký hợp đồng mua bán điện. Theo đó, Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận sẽ bán điện cho EVN với giá bán được áp dụng theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Riêng tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023. Cụ thể, Chính phủ đồng ý tỉnh Ninh Thuận được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai. Công suất phát điện của Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh đã được tính trong công suất 2.000MW điện mặt trời của tỉnh Ninh Thuận.

PV