Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 19/2020

Thứ hai, 18/5/2020 | 08:27 GMT+7
Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cùng các đối tác dành nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng tại TPHCM khi lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

Nhiều ưu đãi cho khách hàng tại TPHCM khi lắp đặt và sử dụng ĐMTMN

Cụ thể, EVNHCMC vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển điện mặt trời với các nhà cung cấp là Công ty CP ĐT&PT Năng lượng mặt trời Bách Khoa, Công ty CP VES và Công ty CP Năng lượng TTC.

Theo đó, các nhà cung cấp sẽ thực hiện nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng tại TPHCM khi lắp đặt và sử dụng ĐMTMN. EVNHCMC sẽ phối hợp với các nhà cung cấp triển khai các hoạt động thiết thực để khuyến khích người dân và doanh nghiệp quan tâm sử dụng điện mặt trời. Tổng công ty mong muốn thông qua các chương trình ưu đãi này sẽ có nhiều người dân và doanh nghiệp được sử dụng nguồn điện xanh và sạch với chi phí hợp lý. Từ đó, góp phần tiết kiệm chi phí tiền điện phải trả đồng thời góp phần xây dựng TPHCM thực sự là đô thị thông minh, có môi trường sống xanh - sạch - đẹp. EVNHCMC sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời.

Đại diện EVNHCMC ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển điện mặt trời với các nhà cung cấp

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, TPHCM là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Trong khi đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TPHCM rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà. Việc ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp các hộ gia đình giảm chi phí tiền điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng.

Một trong những giải pháp tối ưu nhất hiện nay là tự cung cấp điện một phần bằng nguồn năng lượng mặt trời (hay còn gọi là điện mặt trời), giải pháp này đang nhận được nhiều sự quan tâm và đang là xu hướng phát triển của thế giới. Để tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng ĐMTMN, EVNHCMC sẽ phối hợp các nhà cung cấp điện mặt trời để triển khai các chương trình ưu đãi dành lắp đặt điện mặt trời trên trên địa bàn TPHCM.

Sau khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN, chủ đầu tư có nhu cầu hoà lưới điện quốc gia, bán phần điện dư cho ngành điện, chỉ cần liên hệ gửi email đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVNHCMC qua địa chỉ cskh@hcmpc.com.vn hoặc qua tổng đài 1900545454 để được hỗ trợ kiểm tra điều kiện hoà lưới, lắp điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời.

Yên Bái phát triển điện mặt trời nổi trên hồ Thác Bà

UBND tỉnh Yên Bái vừa tổ chức hội thảo về dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp phía Nam và các dự án điện mặt trời trên hồ Thác Bà.

Tại hội thảo, đại diện Công ty CP đầu tư và phát triển NEVN đã thông tin tổng quan về dự án điện mặt trời trên cả nước và dự kiến triển khai tại tỉnh Yên Bái. Yên Bái có hồ Thác Bà - là hồ nhân tạo lớn nhất cả nước, đồng thời hiện nay ngay gần tỉnh Yên Bái có trạm biến áp 500kV Việt Trì có thể giải bài toán truyền tải điện ổn định cho các dự án công suất lớn tại khu vực miền Bắc do đó công ty đề xuất được phép xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước tại hồ Thác Bà với 2 giai đoạn: giai đoạn 1 thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2022 với công suất dự kiến 560MW, diện tích 884,68ha; giai đoạn 2 từ 2022 - 2026, công suất 800MW, diện tích 1.600ha.

Công ty CP kinh doanh xi măng miền Bắc đề xuất xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời Yên Bình, tỉnh Yên Bái với tổng công suất 570MWp, tổng sản lượng điện của cả nhà máy khoảng 641.119 GWh/năm. Quy mô dự án gồm các hạng mục: nhà máy điện mặt trời Yên Bình - cụm Cẩm Ân với công suất lắp đặt khoảng 170MWp; nhà máy điện mặt trời Yên Bình - cụm Phúc An, công suất 400MWp. Dự kiến giữa năm 2021 sẽ thi công lắp đặt, thử nghiệm và vận hành thử.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đánh giá về công nghệ áp dụng đối với nhà máy sản xuất pin và nhà máy điện mặt trời trên hồ Thác Bà. Cùng với đó là trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt quy hoạch các dự án điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực điện quốc gia, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế và thẩm định dự án. Các vấn đề liên quan đến lĩnh vực môi trường như: các biện pháp giảm thiểu và xử lý chất thải từ quá trình làm sạch bề mặt các tấm pin, các ảnh hưởng đến hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Thác Bà, tác động khác đến môi trường; ảnh hưởng của dự án đến nuôi trồng thủy sản… cũng được các đại biểu thảo luận.

Ảnh minh họa

Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đánh giá cao các nhà đầu tư đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tư theo chuỗi dài hơi, đưa công nghệ tiên tiến nhất áp dụng vào dự án năng lượng điện tại tỉnh Yên Bái.

Đánh giá cao việc đầu tư theo chuỗi của dự án điện năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước tại hồ Thác Bà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu nhà đầu tư cần tính toán kỹ tới vấn đề tác động môi trường nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống người dân.

Đối với dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời Yên Bình, cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không xung đột với các dự án khác, đặc biệt là các dự án về du lịch. Nhà đầu tư cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích để lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất, tối ưu nhất để đảm bảo hiệu quả đầu tư đồng thời giảm thiểu thấp nhất tác động môi trường sinh thái; tiếp tục tính toán giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí, đảm bảo vận hành an toàn của hệ thống dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, ủng hộ để dự án nhà máy điện mặt trời Yên Bình, tỉnh Yên Bái được bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia. Đồng thời kiến nghị các bộ, ngành quan tâm hướng dẫn tỉnh và các nhà đầu tư triển khai những bước tiếp theo của nhóm dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu các sở ngành và địa phương hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án trình tỉnh Yên Bái cho phép triển khai các bước tiếp theo.

Phát triển dự án nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng LNG tại Long An

Tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An về các dự án điện trên địa bàn tỉnh.

Thông tin tại buổi làm việc, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, ngày 7/2/2020, UBND tỉnh Long An có tờ trình số 09/TTr-UBND gửi Bộ Công Thương, kiến nghị chuyển đổi công nghệ các dự án Nhà máy nhiệt điện Long An I và Long An II sử dụng nhiên liệu than trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh sang dự án Nhà máy nhiệt điện Long An I và Long An II sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng LNG và cho phép điều chỉnh quy mô công suất các nhà máy.

Ngày 20/2/2020, Bộ Công Thương có văn bản số 1097/BCT-ĐL gửi các bộ, ngành đề nghị có ý kiến đối với đề xuất của UBND tỉnh Long An nêu trên.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, sau khi tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2844/BCT-ĐL ngày 22/4/2020 gửi UBND tỉnh Long An đề nghị hiệu chỉnh hồ sơ bổ sung Nhà máy nhiệt điện LNG Long An I, Long An II vào Quy hoạch điện quốc gia theo ý kiến các bộ, ngành (trừ Bộ Tài chính) và văn bản số 3362/BCT-ĐL ngày 12/5/2020 gửi UBND tỉnh Long An đề nghị hiệu chỉnh hồ sơ bổ sung Nhà máy nhiệt điện LNG Long An I, Long An II vào Quy hoạch điện quốc gia theo ý kiến của Bộ Tài chính.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến 2 dự án Long An I, Long An II, không chỉ bởi vì ngay gần TPHCM mà còn vì nhiều thuận lợi khác. Thứ trưởng đánh giá, những năm gần đây, các nhà máy nhiệt điện gặp khó khăn chung vì thiếu nguyên liệu do đó, việc chuyển đổi sang nguyên liệu khí là rất phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Dự án này chúng tôi rất ủng hộ vì hội tụ đầy đủ các điều kiện tốt”. Bộ trưởng lưu ý thêm, việc quyết định đơn vị nào là chủ đầu tư là một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của dự án. Theo đó, cần lựa chọn nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, uy tín; nhà đầu tư được chọn phải cam kết quá trình xây dựng, vận hành tuyệt đối không để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, khối lượng các công việc cần thực hiện để đưa vào vận hành dự án là rất lớn. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ sát cánh, phối hợp với UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, đưa dự án vào vận hành. Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp Vụ Dầu khí và than chủ động phối hợp với tỉnh đẩy nhanh tiến độ rà soát và hoàn tất hồ sơ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Long An bày tỏ mong muốn tiếp tục được Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục để hoàn tất hồ sơ, sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

PV