Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 21/2020

Thứ hai, 1/6/2020 | 09:03 GMT+7
UBND tỉnh Kon Tum vừa có Văn bản số 1748-UBND/HTKT ngày 20/5/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất bổ sung các dự án điện gió và trạm biến áp 500kV, 220kV vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum.

Kon Tum đề xuất bổ sung các dự án điện gió và trạm biến áp vào quy hoạch 

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung 9 dự án điện gió và trạm biến áp 500kV, 220kV, hệ thống đường dây đấu nối vào Quy hoạch phát triển điện lực. 

Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch 9 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 264,7MW cho 3 nhà đầu tư (Công ty CP đầu tư thủy điện Đăk Piu 2, Công ty CP thủy điện Trường Giang, Công ty CP đầu tư Năng lượng gió Tây Nguyên) vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035. Các dự án điện gió trên có phương án giải tỏa đảm bảo công suất, đấu nối vào đường dây cùng trạm biến áp 220kV hiện có trên địa bàn tỉnh Kon Tum và đã được Tổng công ty Điện lực miền Trung, Công ty Truyền tải điện 2 kiểm tra, có ý kiến thống nhất về phương án đấu nối.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, các dự án điện gió nêu trên không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, không ảnh hưởng các công trình hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên hiện có. Đồng thời các dự án điện gió trên phù hợp với Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ ngày 10/01/2020 và Quyết định 329/QĐ-BCT ngày 22/01/2020 của Bộ Công Thương về nguyên tắc ưu tiên phương án giải tỏa công suất.

Ảnh minh họa

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên và là một trong các tỉnh có tiềm năng phát triến các dự án điện gió. Hiện nay, 17 cụm dự án nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh đã triển khai nghiên cứu, đề xuất đầu tư từ nguồn kinh phí của các doanh nghiệp với tổng công suất khoảng 2.000MW. Đến nay, tỉnh Kon Tum chưa có dự án nhà máy điện gió nào được bổ sung vào Quy hoạch phát triến điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035. Do đó, các dự án nhà máy điện gió trên nếu được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 là cơ hội lớn về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh khi dự án đưa vào vận hành phát điện, tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự khu vực.

Bên cạnh đó, để phục vụ việc giải tỏa công suất các các dự án điện nói chung và dự án năng lượng tái tạo nói riêng, UBND tỉnh Kon Tum đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trạm biến áp 500kV Kon Tum, các trạm biến áp 220kV và hệ thống đường dây đấu nối tại Công văn số 1030/UBND-HTKT ngày 01/4/2020. Cụ thể: bổ sung quy hoạch trạm biến áp 500kV Kon Tum, cấp điện áp 500/220/110kV với công suất 3x900MVA trên địa bàn xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum và tuyến đường dây 500kV mạch kép đấu nối chuyển tiếp lên đường dây 500kV hiện có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và đấu nối trạm biến áp 500kV Kon Tum vào lưới điện khu vực.

Bổ sung quy hoạch trạm biến áp 220kV Đăk Hà, cấp điện áp 220/110/35/22kV với công suất 5x250MVA và các ngăn lộ đấu nối trên địa bàn xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum (trạm biến áp 220kV Đăk Hà sẽ giải tỏa công 9 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 264,7MW nêu trên).

Bổ sung quy hoạch trạm biến áp 220kV Kon Plông, cấp điện áp 220/110/35/22kV với công suất 5x250MVA và các ngăn lộ đấu nối trên địa bàn thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Bổ sung quy hoạch các tuyến đuờng dây 220kV đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đấu nối, truyền tải công suất giữa các trạm biến áp 220kV Kon Tum - trạm biến áp 220kV Đăk Hà - trạm biến áp 500kV Kon Tum - trạm biến áp 220kV Kon Plông.

Tại văn bản đề nghị, UBND tỉnh Kon Tum cũng khẳng định: nếu được Thủ tuớng Chính phủ thống nhất bổ sung các dự án điện gió và trạm biến áp 500kV, 220kV vào quy hoạch, UBND tỉnh Kon Tum sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo theo đúng quy định nhằm công khai, minh bạch và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

EVN hỗ trợ, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà

Ngày 6/4/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (gọi tắt là Quyết định 13). Quyết định này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 để thay thế Quyết định 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019.

Một trong những nội dung quan trọng mà người dân và khách hàng sử dụng điện quan tâm là giá điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) từ sau thời điểm 30/6/2019. Căn cứ nội dung của Quyết định 13, các tổng công ty điện lực sẽ thực hiện ký hợp đồng mua điện và thanh toán tiền điện đối với các dự án ĐMTMN đã chốt chỉ số công tơ để bắt đầu giao nhận điện và thanh toán tiền điện kể từ ngày 1/7/2019. 

Các tiêu chí xác định dự án ĐMTMN được nêu rõ trong Quyết định 13 như sau: dự án ĐMTMN là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW (hoặc không quá 1,2 MWp), đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống.

Trong thời gian chờ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản số 3641/BCT-ĐL ngày 21/5/2020, trong đó cho phép tạm thời sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu được quy định tại Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 của Bộ Công Thương có điều chỉnh giá mua bán điện phù hợp với Quyết định 13 để ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư ĐMTMN đã đưa vào vận hành sau ngày 30/6/2019. Như vậy từ ngày 23/5/2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thể thực hiện việc ký hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng. Sau khi Thông tư hướng dẫn Quyết định 13 được ban hành, Tập đoàn sẽ ký hợp đồng mới theo quy định của Thông tư.

EVN hỗ trợ, khuyến khích người dân và doanh nghiệp phát triển ĐMTMN

Việc thực hiện thanh toán tiền điện với giá mua điện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (giá mua điện được áp dụng trong 20 năm kể từ ngày dự án được đưa vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ), cụ thể như sau:

Từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2019, giá mua điện (chưa bao gồm giá trị gia tăng) là 1.913 đồng/kWh (tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31/12/2018 là 22.825 đồng/USD).

Từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2020, giá mua điện (chưa bao gồm giá trị gia tăng) là 1.940 đồng/kWh (tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31/12/2019 là 23.155 đồng/USD).

Kể từ năm 2021 và các năm tiếp theo, giá mua điện (chưa bao gồm giá trị gia tăng) được xác định theo từng năm bằng tiền đồng Việt Nam (tính đến hàng đơn vị đồng, không làm tròn số) tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước.

Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực là “cú hích” tạo đà cho ĐMTMN phát triển. Với nhiều lợi ích mang lại cho chính chủ đầu tư cũng như cộng đồng, việc lắp đặt ĐMTMN những năm gần đây đã được người dân, doanh nghiệp quan tâm. Trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có thêm 5.254 dự án ĐMTMN bán điện cho EVN với tổng công suất lắp đặt là 178,66 MWp, sản lượng điện phát lên lưới là 137,1 triệu kWh. Lũy kế đến nay, trên phạm vi cả nước đã phát triển 27.631 dự án ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt là 562,8 MWp. Cũng trong 4 tháng đầu năm, các công trình ĐMTMN đã phát lên lưới điện quốc gia hơn 137,1 triệu kWh. 

EVN xác định rõ, xuất phát từ lợi ích chung của xã hội và lợi ích của người dân cùng doanh nghiệp, Tập đoàn đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích đặc biệt với ĐMTMN; đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cung cấp các dịch vụ đăng ký mua bán ĐMTMN trực tuyến.

Hiện nay, trình tự thủ tục đấu nối và mua ĐMTMN rất đơn giản, sau khi lắp đặt, chủ đầu tư có nhu cầu bán điện chỉ cần liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành điện để được hỗ trợ kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời. EVN đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện website solar.evn.vn để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu, tiếp cận với mọi thông tin liên quan về ĐMTMN trên các ứng dụng công nghệ thông tin cùng các website chăm sóc khách hàng ngành điện.

Với tiềm năng phát triển ĐMTMN ở Việt Nam rất lớn, EVN xác định rõ việc hỗ trợ phát triển ĐMTMN là một trong những chủ trương quan trọng bởi đây là nguồn cung cấp điện hiệu quả, giải pháp thiết thực cho việc đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao.

Bình Định: Khởi công dự án năng lượng mặt trời 330MW

Tại địa bàn xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, Công ty CP Tầm nhìn Năng lượng sạch – công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) vừa tổ chức lễ khởi công dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ với công suất 330MW.

Dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ là dự án nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất tại Bình Định được đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích 380ha với tổng công suất thiết kế là 330MW. 

Dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ được chia thành 3 nhà máy với công suất lần lượt là: 120MW, 110MW và 100MW. Khi dự án hoàn thành vào cuối năm 2020 ước tính sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh mỗi năm, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc BCG Energy kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tầm nhìn Năng lượng sạch cho biết: “Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng do tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ cao hơn tốc độ tăng trưởng của nguồn cung mới. Dự kiến trong giai đoạn năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 20 tỉ kWh và con số này sẽ gấp đôi trong năm 2025. Do đó những năm vừa qua, BCG Energy không ngừng tập trung nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng tái tạo để tạo nguồn cung thay thế. 

Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với các đối tác hàng đầu trên thế giới trong ngành năng lượng mặt trời về giải pháp công nghệ, kết cấu kỹ thuật, phương án xây dựng, giải pháp môi trường cũng như phân tích và nghiên cứu nhu cầu năng lượng của địa phương, từ đó mạnh dạn lập đề xuất đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo với công suất lớn như Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ”.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ khi đi vào hoạt động, hòa lưới điện quốc gia sẽ góp phần tạo ra nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, dự án sẽ đóng góp vào mục tiêu phát triển của tỉnh Bình Định là trở thành trung tâm phát triển về kinh tế – xã hội với nền công nghiệp hiện đại. Qua đó, góp phần nâng cao và cải thiện đời sống nhân dân, ổn định an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

PV